Mọi người thường dán nhãn cho bản thân 2 từ “hướng nội” như một lý do để không làm được việc này, việc kia. Nhưng có một sự thật: những người thành công trên thế giới đa số là người hướng nội.
Cho nên, câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta đã hiểu đúng về tính cách hướng nội hay chưa?
Trong bài viết này, anh sẽ chia sẻ 3 dấu hiệu – nếu bạn sở hữu nó thì có nghĩa bạn không phải là người hướng nội.
Lý Do Bạn Nên Nhận Ra 3 Dấu Hiệu Này Càng Sớm Càng Tốt
Nếu không nhận ra được 3 dấu hiệu phía dưới, bạn sẽ vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội mà bạn không thể ngờ tới.
Bởi vì việc bạn dán nhãn chữ “hướng nội” lên mình và cho rằng:
Hướng nội = Không giao tiếp tốt
Hướng nội = Không giỏi thể hiện bản thân
Hướng nội = Không thể làm quản lý/sếp lớn
Nếu bạn nghĩ như vậy, thực ra bạn đang giới hạn rất nhiều những “cánh cửa cơ hội” ở ngoài kia.
Thế giới ngoài kia không thiếu cơ hội dành cho bạn, nhưng vì nhãn dán “hướng nội” mà những cánh cửa cơ hội đó vô tình bị đóng lại vì những giới hạn trong suy nghĩ:
Anh là một người hướng nội và tất cả những điều tuyệt vời mà ngày hôm nay anh có được đã không thể xảy ra nếu như ngày đó anh chỉ nghĩ:
“Mình là người hướng nội nên mình chỉ hợp làm việc A, việc B này thôi.”
Nếu bạn cũng có suy nghĩ đó thì rất đáng tiếc.
Cho nên, ngay từ khi còn trẻ, bạn hãy nhận ra chuyện này sớm hơn. Hãy tháo “nhãn dán hướng nội” đó ra để mở tung cánh cửa đến một khung trời có rất nhiều cơ hội và điều tuyệt vời ở ngoài kia.
3 Dấu Hiệu Chứng Tỏ Bạn Là Hướng Nội FAKE
Dấu Hiệu 1: Không Biết Xử Sao Không Có Nghĩa Là Bạn Hướng Nội
Có lần, anh luyện tập để làm MC hoạt náo viên. Vì đang ở trong giai đoạn đầu tiên và chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh đã tập luyện rất kỹ và thường đến hội trường từ sớm.
Tới sớm như vậy thì anh ngồi ở một góc trong hội trường vì chưa có nhiều người vào. Lúc đó, các bạn trong ban tổ chức vẫn đang set-up sân khấu, các bạn thấy anh ngồi một góc thì bèn chạy tới nói:
“Ủa Khương tới sớm hả? Phụ kê cái bàn này với!”
“Uhm..Không, mình đang chuẩn bị rồi.” – anh trả lời.
“Chuẩn bị gì? Lát nữa mới lên sân khấu làm MC mà? Bây giờ chưa có làm gì thì phụ mọi người một tay. Sao mà chảnh thấy ớn!”
Và rồi anh cảm giác cực kì áp lực, những suy nghĩ thông thường lại hiện lên:
“Tại vì mình hướng nội nên không có đa nhiệm được”
“Tại vì mình hướng nội nên cần phải tập trung sâu vào một việc”
“Tại vì mình hướng nội nên không thể làm cái này, cái kia cùng một lúc như vậy được”
Mãi sau này khi nhìn lại, anh mới thấy câu chuyện này CHẢ liên quan gì đến việc hướng nội hay hướng ngoại.
Chỉ đơn giản là việc: Mình chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa giải thích cho người khác hiểu được rằng đối với mình thời điểm đó thì việc phải đa nhiệm khó đến như thế nào.
Và nếu lúc đó, anh tiếp tục giữ suy nghĩ như cũ thì có lẽ anh đã quay về với “vỏ ốc” quen thuộc của mình và không chịu thay đổi để mở ra một hành trình mới sau này.
Tóm lại, nếu bạn vẫn còn gặp bối rối trong nhiều tình huống giao tiếp.
Thì không phải là do tính cách hướng nội mà chỉ đơn giản là bạn thiếu kinh nghiệm thực tế mà thôi.
Dấu Hiệu 2: Không Giao Tiếp Tốt Không Có Nghĩa Bạn Là Người Hướng Nội
Đây là vấn đề hay gặp nhiều nhất khi nhắc đến 2 từ “hướng nội”, nhưng trước tiên bạn cần hiểu rằng:
Người hướng nội không có nghĩa là người giao tiếp kém.
Anh hiểu tại sao lại có nhiều người lại rút ra kết luận rằng: Người hướng nội = Giao tiếp kém.
Bởi vì trong công việc, mình sợ sếp, sợ sai, sợ nói ra quan điểm của mình, không dám chia sẻ bất cứ điều gì với người khác.
Nhưng để giải quyết vấn đề này thì không dễ, nên bạn gán cho mình “cái mác” hướng nội để né tránh sự thật rằng bạn cần cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
Tuy nhiên, để hiểu đúng hơn về vấn đề này, hãy tìm hiểu về 4 kiểu người trong tính cách.
Theo Susan Cain – tác giả nổi tiếng của cuốn sách Quite – The Power of introverts in a World That Can’t Stop Talking đã chia sẻ có 4 kiểu tính cách của hướng nội và hướng ngoại:
Đôi khi có rất nhiều “style” giao tiếp khác nhau mà chúng ta thường không nhận ra.
Susan Cain cũng đã chia sẻ một câu chuyện rất hay của mình trong cuốn sách “Hướng Nội”.
Cô kể rằng:
Cô là luật sư và làm việc với một người khách hàng rất là khó tính. Họ cứ đến nhận tư vấn của Susan và nói rào rào theo kiểu: “Cái này không được, cái kia không được.”
Và cô cảm thấy mình là người hướng nội và không thể nào phản biện, cãi lại được trước tình huống đó. Cũng có nhiều người góp ý với Susan là:
“Bạn phải mạnh mẽ lên chứ! Bạn là người tư vấn cho khách hàng chứ đâu phải là người làm công gì cho họ đâu mà sợ? Đập bàn cãi lại, lớn tiếng lên!”
Nhưng mà Susan cảm thấy là cô không làm được, điều đó không hợp với cô.
Dần dần khi tiếp tục làm việc trong văn phòng luật sư, cô bắt đầu nghiên cứu về những điểm mạnh và điểm yếu của người hướng nội. Từ đó, Susan nhận ra vài điểm đặc biệt trong tính cách hướng nội và cuối cùng cũng tìm ra được “style” giao tiếp cho riêng mình và áp dụng chúng vào trong công việc.
Khi gặp lại người khách hàng khó tính đó, Susan đã ở trong một phiên bản khác và lần này cô bắt đầu dẫn dắt cuộc trò chuyện một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy sự quyết đoán.
Và cuộc trò chuyện đó diễn ra giống như sau:
“Có phải ý chị là mình sẽ giải quyết theo hướng 1, hướng 2 này phải không?
Nhưng với cách giải quyết đó sẽ phát sinh vấn đề 1, vấn đề 2.
Chị nghĩ sao về hướng 3, nó có thêm những yếu tố […] sẽ giúp chị giải quyết được khó khăn này tốt hơn.”
Và Susan bắt đầu đặt ra những câu hỏi sâu sắc dựa trên dẫn chứng, tổng hợp, suy nghĩ thấu đáo của mình để chủ động dẫn dắt và thuyết phục người khách hàng đó qua cuộc trò chuyện.
Kết quả là người khách hàng đó rất hài lòng. Một khoảng thời gian sau, họ tiếp tục quay lại và mời Susan Cain tham gia vào một dự án rất lớn.
Vậy nên, không nhất thiết bạn phải trở thành người đập bàn, đập ghế và “aggressive” để giao tiếp, đối đầu với người khác.
Bạn vẫn có thể tận dụng khả năng bình tĩnh của mình để suy nghĩ, suy xét thấu đáo, lắng nghe, tổng hợp để nhìn ra được điểm cốt lõi.
Và đôi khi điềm tĩnh để đưa ra những câu hỏi và nhận định sâu sắc cho vấn đề đó. Nếu bạn là người hướng nội, điều quan trọng ở đây là bạn phải nhìn ra được “style” giao tiếp và điểm mạnh của bản thân.
Đó mới chính là kiểu người hướng nội tự tin.
Vậy nên, bài học ở đây là:
Hướng nội là tính cách, giao tiếp là kỹ năng.
Đây chính là bài học mà anh rất nỗ lực để chia sẻ trên những trang mạng xã hội của mình. Nếu bạn bắt đầu nhận ra bài học này nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu để xác định “style” giao tiếp của riêng mình thì có thể tham gia cùng anh 45 phút trong buổi miễn phí này.
Dù cho bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, thì qua buổi Workshop này anh tin bạn sẽ hiểu rõ hơn về giao tiếp thực sự nghĩa là gì, và biết cách làm sao có một lộ trình rõ ràng để sở hữu kỹ năng quan trọng này.
Dấu Hiệu 3: Lười Phát Triển Bản Thân Không Có Nghĩa Là Hướng Nội
Đọc đến đây, có thể bạn đã nhận ra những lý do bên ngoài đều không liên quan đến tính cách của mình.
Có nhiều bạn vẫn nói:
“Vì em là người hướng nội nên em không thích xã giao hay kết nối với người khác để học hỏi từ họ, em thích ở nhà đọc sách và tự mày mò học hỏi trên mạng hơn”
Đây là một dạng suy nghĩ cho thấy bạn đang vô tình giới hạn bản thân mình.
Do mình lười tới một nơi mới để kết nối với người lạ.
Do mình sợ nhận một dự án mới thì mình không biết làm, không biết xoay sở.
Do mình sợ tới tham gia event mới, học một kỹ năng nào đó mới bởi vì nếu không làm được thì sẽ mất mặt với ngần ấy người.
Vậy nên, mình gắn “cái mác hướng nội” lên để biến đó trở thành một lý do “có vẻ hợp lý” để không cần phải cố gắng.
Tuy nhiên chính điều này đã vô tình làm cho bạn bỏ lỡ quá nhiều điều tuyệt vời ở ngoài kia: tham gia một sự kiện bổ ích, đi du lịch ở vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, học hỏi những kỹ năng mới,..
Đó là những điều sẽ làm “dày” hơn vốn sống, góc nhìn, kỹ năng và cả mối quan hệ của chúng ta.
Nên hãy bước ra khỏi vùng an toàn của mình đến với thế giới bên ngoài để trải nghiệm thật nhiều thứ khác nhau. Điều đó sẽ giúp bạn có một cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.
Lời Kết
Nếu để tóm gọn cho 3 dấu hiệu phía trên, anh có một câu nói dành cho bạn để thực sự suy ngẫm về vấn đề này:
Bạn có thể là người hay im lặng nhưng đừng để mình có một cuộc đời lặng im.