02/07/2023

Nếu Bạn Đang Nghi Ngờ Năng Lực Của HƯỚNG NỘI – Hãy Đọc Bài Viết Này

Có một ranh giới giữa “thấu hiểu bản thân” và “dán nhãn bản thân”. Khi làm kênh youtube chia sẻ về chủ đề hướng nội với người theo dõi của mình, anh được tiếp xúc với nhiều cách nhìn nhận khác nhau về tính cách này. Và anh thấy có 1 vấn đề: Đó là […]
Duy Khương Huỳnh

Có một ranh giới giữa “thấu hiểu bản thân”“dán nhãn bản thân”.

Khi làm kênh youtube chia sẻ về chủ đề hướng nội với người theo dõi của mình, anh được tiếp xúc với nhiều cách nhìn nhận khác nhau về tính cách này.

Và anh thấy có 1 vấn đề: Đó là nhiều bạn tự nhận bản thân là người hướng nội và tận dụng những đặc điểm tính cách này “dán nhãn” lên mình và giải thích những khó khăn mà bạn ấy có.

Nguy hiểm hơn, những “nhãn dán” đó dần dần đang trở thành niềm tin mặc định về chính con người mình mà chúng ta cũng không hay biết hoặc ý thức được việc đó..

Trong bài viết này, anh muốn giúp bạn nhận ra ranh giới giữa việc mình “thấu hiểu” bản thân để có kết quả tốt hơn với việc “dán nhãn” mình để giải thích cho sự dậm chân tại chỗ trong quá trình phát triển bản thân. Từ đó, tận dụng được những đặc điểm trong tính cách hướng nội mà bạn đang có để biến nó trở thành điểm mạnh của mình.

Hướng Nội Là Thất Bại, Kém Cỏi?

Trong những video anh chia sẻ về chủ đề hướng nội, hướng ngoại thì anh có bắt gặp những bình luận sau:

bình luận sinh ra là hướng nội chắc chắn là thất bại của tạo hóa
  • “Sinh ra là người hướng nội liệu có phải là sai lầm của đấng tạo hóa.”

Hay là:

  • “Em hiểu điểm mạnh của người hướng nội là lắng nghe, suy nghĩ sâu. Vậy nên em không nói giỏi là đúng rồi.”

Hoặc là kiểu bình luận:

  • “Cũng biết là người hướng nội cũng có người nói giỏi và thu hút, nhưng mà đó là thiểu số. Em thì nằm trong số đông còn lại nên không giỏi giao tiếp.”

Điểm chung của 3 dạng bình luận này là: Họ bám vào một vài đặc điểm trong tính cách hướng nội để giải thích cho những điểm yếu của bản thân.

Đó là băn khoăn của anh và cả team khi làm những video này và tự hỏi:

Mình cố gắng chia sẻ những khái niệm trong tính cách để mọi người hiểu về bản thân hơn. Mục tiêu là muốn giúp cho họ có kết quả tốt hơn, hành động đúng đắn hơn. Nhưng rốt cuộc điều này lại làm cho mọi người suy nghĩ sai và biến việc “thấu hiểu bản thân” trở thành việc “dán nhãn bản thân” như một lý do để không phải làm tốt việc này, việc kia.

“Tôi là người hướng nội cho nên không thể làm được việc A, việc B.”

Thành ra, việc mình càng hiểu về bản thân mình bao nhiêu thì lại càng hại bấy nhiêu.

Hướng nội bỗng nhiên trở thành câu trả lời duy nhất cho những khó khăn, mệt mỏi trong giao tiếp, làm việc đội nhóm, kết nối với mọi người.

Câu Chuyện Về Kẻ Mạnh Và Kẻ Yếu

Để trả lời cho những băn khoăn này, anh muốn kể cho bạn một câu chuyện:

Câu chuyện kinh điển có tên là David and Goliath – cuộc chiến giữa người tí hon và gã khổng lồ.

David & Goliath - cuộc chiến giữa người tí hon và gã khổng lồ

David là một chàng trai nhỏ bé, còn Goliath là một chiến binh khổng lồ và hùng mạnh nhất, cao gần hai mét.

Có 2 đội quân chiến đấu để giành lãnh thổ. Căn cứ của hai bên nằm ở hai ngọn núi đối diện nhau, ngăn cách ở giữa là 1 vực thẳm.

Và đội quân nào tràn xuống tấn công trước sẽ bất lợi, bởi vì khi bên còn lại tiến công sau thì sẽ có đà và thuận lợi hơn. Vậy nên cả hai bên chần chừ, không ai chịu tấn công trước.

Sau một hồi giằng co, cuối cùng cả hai bên đồng ý với giải pháp là:

Mỗi đội quân cử ra 1 chiến binh mạnh và giỏi nhất của mình để đại diện cùng xuống vực để đấu với nhau. Chiến binh bên nào thắng thì cả đội quân bên đó sẽ thắng.

Bên kia, đội quân cử 1 người to con, khoẻ mạnh, dũng mãnh nhất là Goliath.

Bên này, trong đội quân không một ai dám ra trận sau khi nhìn thấy gã Goliath. Nhưng có 1 thanh niên trẻ chăn cừu tên là David đã xung phong đối mặt với tên khổng lồ.

Ban đầu, mọi người nghi ngờ không cho David ra trận bởi vì thân hình nhỏ bé của chàng. Nhưng vì không còn lựa chọn nào khác, kèm theo phong thái cực kì tự tin của David, mọi người bèn đồng ý.

Goliath thì mặc 1 bộ giáp, cầm theo 1 cái khiên và 1 cây kiếm rất lớn.

Còn David không mặc giáp, cũng chẳng mang theo vũ khí gì chỉ trừ…1 chiếc ná bằng cao su.

david and goliath

Ngay khi trận chiến bắt đầu, David đứng từ xa và rút ra một viên đá từ trong túi, đặt lên chiếc ná của mình và ném thẳng vào…giữa trán của gã khổng lồ. Đây là một kỹ năng mà cậu đã rèn luyện nhiều năm nên cực kì thành thạo.

The Story Of David And Goliath

Vì quá cồng kềnh nên Goliath không thể tránh được đòn tấn công của David nên ngay lập tức gã đổ sập xuống.

Cuộc chiến kết thúc, gã khổng lồ chính thức thua cuộc.

Sau này, trận chiến trở thành 1 giai thoại rất nổi tiếng để nói về câu chuyện “kẻ yếu và kẻ mạnh”.

Trong cuộc chiến đứng từ xa, kẻ yếu thế như David lại trở thành người chiến thắng.

Bởi vì Goliath thì vừa to lớn, lại mang theo nhiều thứ nặng nề nên di chuyển chậm chạp. Những thứ tưởng chừng như giúp Goliath mạnh hơn lại trở thành điểm yếu.

Ngược lại, nếu là trận đấu cận chiến, Goliath sẽ giành chiến thắng.

Bởi vì David quá nhỏ bé và yếu ớt so với thân hình cường tráng của gã khổng lồ.

Vậy thì ai mới là kẻ yếu thực sự?

Câu trả lời của anh là: Tùy trường hợp.

Không phải kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng, mà kẻ nào thắng thì suy ra kẻ đó mạnh.

– Huỳnh Duy Khương –

Bài Học Rút Ra Cho Người Hướng Nội

Câu chuyện phía trên đã cho anh một góc nhìn hoàn toàn mới trong giai đoạn anh còn đầy hoang mang và lo lắng khi nhận ra mình là người hướng nội.

Câu chuyện định nghĩa lại cho anh khái niệm về kẻ mạnh, kẻ yếu khi liên hệ về tính cách hướng nội, hướng ngoại.

Bài học là: Không phải kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng, mà kẻ nào thắng thì suy ra kẻ đó mạnh. Tương tự, hiểu về bản thân là hiểu mình có những đặc điểm nhất định trong từng trường hợp khác nhau.

Đặc điểm A trong trường hợp này có thể là điểm yếu, nhưng trong trường hợp khác thì có thể biến thành điểm mạnh.

Thumbnail 1

Ví dụ, 1 đặc điểm của người hướng nội là khó có thể nghĩ gì nói nấy, cần có thời gian để suy nghĩ sâu và thấu đáo.

Đây sẽ là điểm yếu khi chúng ta ở trong trường hợp cần phải chia sẻ, thảo luận nhanh khi làm việc với đội nhóm.

Nhưng với cùng 1 đặc điểm đó, nó sẽ biến thành điểm mạnh khi người hướng nội ở trong trường hợp cần phải nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ để chia sẻ cho người khác. Từ đó, lời nói sẽ có chiều sâu, chạm đến trái tim của người khác hơn rất nhiều.

Lời Kết

Dù mạnh hay yếu, giỏi hay dở chỉ là một đặc điểm tính cách đơn thuần. Điều quan trọng nhất là cách mà chúng ta tận dụng nó như thế nào để được lợi từ đặc điểm tính cách đó.

Anh có một bài viết chia sẻ về 6 điều người hướng nội làm cực giỏi mà có thể bạn chưa nhận ra, bạn có thể đọc tại đây.

Bạn cảm thấy bài viết bổ ích chứ?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Điểm đánh giá trung bình 2.3 / 5. Số đánh giá 3

Không có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Xem nhiều

Khóa học cho bạn

Khóa học Kỹ năng Giao tiếp, Thuyết Trình - Public Speaking

Chương trình huấn luyện giúp bạn xây dựng sự tự tin thông qua kỹ năng giao tiếp, thuyết trình

Lộ trình

08 tuần

Hình thức

Zoom

Học phí

Liên hệ

Giảng viên: Huỳnh Duy Khương