Đôi khi, có những giai đoạn trong cuộc sống mà chúng ta cảm thấy việc gì cũng trở nên nhàm chán. Để chiến thắng sự nhàm chán đang “ăn mòn” con người mình thì chúng ta cần chủ động đi tìm một điều gì đó mới. Trong bài viết hôm nay, anh muốn chia sẻ cho bạn cách nhìn nhận về “sự thú vị” mà anh đã học được và hành trình để trở thành một người thú vị hơn.
Tony Robbins – một trong những nhà huấn luyện cá nhân nổi tiếng nhất trên thế giới đã chia sẻ:
Có lần, người học viên của ông tới và hỏi:
- “Tony ơi, tao thấy cuộc sống của tao nhàm chán quá. Có cách nào giúp tao thoát khỏi tình trạng này không?”
Tony mới trả lời:
- “Không phải là cuộc sống của mày nhàm chán, mà do mày là một người nhàm chán. Với lăng kính của người nhàm chán, nhìn đâu thì cũng sẽ thấy sự nhàm chán. Còn một người đã thú vị sẵn, đặt họ ở môi trường nào thì họ cũng sẽ có một điều gì đó để “chơi”. Vậy nên, bên trong của mình mới là điều quyết định cuộc sống có thú vị hay không, chứ không phải những thứ bên ngoài.”
2 trải nghiệm giúp anh thoát khỏi vòng lặp của sự nhàm chán
Là một người hướng nội từ nhỏ đến lớn, anh chỉ có đi học, về nhà và lặp lại. Anh thường tự hỏi: “Sao mà cuộc sống của mình nhàm chán vậy?”.
Vậy nên, khi bắt gặp ý tưởng đó của Tony Robbins anh dần nhận ra: “Thì ra không phải cuộc sống mình nhàm chán mà là mình là một người nhàm chán.”.
Nên câu hỏi đặt ra là: “Làm sao để trở thành 1 người thú vị hơn?”. Có 2 trải nghiệm đã ảnh hưởng sâu sắc đến góc nhìn về sự thú vị của anh mà anh muốn chia sẻ với bạn.
Trải nghiệm 1: Câu chuyện về buổi hội thảo ở khách sạn
Trải nghiệm đầu tiên – trải nghiệm đã mở cho anh một góc nhìn hoàn toàn mới đến từ người bạn hướng ngoại cực kỳ nhiệt tình, luôn rủ anh tham gia vào những cuộc vui của nó.
Có lần, người bác làm bác sĩ của nó tổ chức buổi hội thảo ở một khách sạn 5 sao Rex – để kêu gọi đầu tư, lập nên một bệnh viện riêng cho mình.
Và nó rủ anh đi theo, bạn anh: “Khương, chủ nhật tuần này bác tao có tổ chức một buổi hội thảo. Mày đi không?”
Anh lập tức từ chối: “Thôi tao không đi đâu, chủ nhật có ngày nghỉ thì thôi ở nhà đi mày ơi!”. Là một người hướng nội rụt rè, ngại di chuyển và ngại trải nghiệm nên anh đã tìm đủ mọi lý do để không tham gia.
Thằng bạn hướng ngoại nó vẫn tiếp tục thuyết phục anh: “Nhưng mà đi hội thảo thì học hỏi được cái này hay lắm, mày đi không?”. Mặc cho nó vẫn cố gắng thuyết phục, anh vân nỗ lực để từ chối. Qua ngày hôm sau, anh đang ngồi ăn trưa thì bọn anh nói chuyện và nó lại chuyển chủ đề về chuyến đi hội thảo đó.
Sau 7749 lần thuyết phục anh bằng sự nhiệt tình quá mức của nó. Cuối cùng, anh đã “Say Yes”. Ngày tham gia hội thảo cũng đến, và khoảnh khắc anh bước vào khách sạn thì – “Wow!” – Anh đã choáng ngợp bởi sự hoành tráng và sang trọng của buổi hội thảo đó vì Đó là một khách sạn có kiến trúc rất đẹp!
Nếu lúc đó không tham gia thì chắc thời sinh viên của anh vĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ có thể trải nghiệm được những điều thú vị như vậy. Sau lần đó, anh bắt đầu thay đổi quan điểm của mình, bắt đầu bớt sợ, bớt lười, bớt ngần ngại thử những điều mới.
Về nhà, anh cũng dần tìm hiểu thêm về công trình và kiến trúc. Ví dụ như những công trình kiến trúc ở TP.HCM: Hồ con Rùa, Dinh Độc Lập, Nhà Thờ Đức Bà,…
Điều đó làm anh có một “cái đà” để say yes nhiều hơn với những cơ hội trải nghiệm sau này, tìm hiểu nhiều hơn về những chủ đề khác nhau. Sau này khi nhìn lại, anh cảm thấy rất biết ơn vì sự nhiệt tình của đứa bạn đã kéo anh ra khỏi vòng lặp nhàm chán. Nếu không, anh sẽ mắc kẹt mãi ở vùng an toàn đó và không chịu trải nghiệm điều gì khác mới.
Trải nghiệm 2: Câu chuyện về resort 5 sao
Một vài năm về sau, khi có dịp công tác ở Đà Nẵng, anh có gặp lại một người bạn.
Sau một lúc trò chuyện, anh được biết bạn đang làm việc ở Furama – 1 resort 5 sao nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Và thế là anh được giới thiệu đi xem từng phòng như một khách hàng thật sự.
Cũng chính người bạn đó, anh gặp lại bạn sau này. Bạn lại nói:
“Tao nghỉ làm resort cũ rồi. Tao vừa chuyển sang làm cho 1 resort mới, chỗ này ngầu lắm. Nếu mày thích về công trình và kiến trúc chắc là mày sẽ quan tâm, để tao dẫn mày đi coi!”
Và đó là resort The Nam Hai ở Hội An – resort nổi tiếng và nằm trong top 500 resort tốt nhất thế giới.
Thế là anh lại được đi xem và trải nghiệm thêm một lần nữa. Từ những trải nghiệm này, anh nhận được rất nhiều kiến thức mới, chủ đề mới. Nhờ vậy mà khi gặp một người bạn mới, anh sẽ có một chủ đề để cùng nhau trò chuyện.
Thử tưởng tượng..Nếu ngày hôm đó bạn anh chia sẻ: “Tao đang làm việc ở resort 5 sao” mà anh chẳng có kiến thức, thông tin trước đó hay bất kỳ sự tò mò, hứng thú nào. Thì chắc là anh sẽ hỏi: “À, vậy hả?” Hết!
Vậy thì sẽ chẳng có điều gì thú vị để tiếp tục trò chuyện nên sau đó chắc là anh cũng chẳng được trải nghiệm những thứ tuyệt vời như vậy.
Đó là một trong nhiều câu chuyện mà anh đã trải qua. Dần dần, anh nhận ra 1 công thức có thể làm cho cuộc sống của một người bớt nhàm chán mà anh sẽ chia sẻ cho bạn trong bài viết này.
3 giai đoạn để trở nên thú vị hơn
Sau khi trải nghiệm đủ nhiều, anh rút ra được một công thức gồm 3 giai đoạn để trở nên thú vị hơn:
Giai đoạn 1: Say yes more often
Đây là giai đoạn đầu khi mình chưa có nhiều trải nghiệm, chưa biết mình hứng thú với chủ đề nào.
Hãy nói “có” nhiều hơn với những cơ hội mới xuất hiện mặc dù mình cảm thấy nó không quen thuộc và thoải mái.
Just say yes!
- Nói có nhiều hơn với những mối quan hệ mới.
- Nói có nhiều hơn với những địa điểm tụ tập mới: cà phê mới, đi phượt, cắm trại,..
- Nói có nhiều hơn với những bộ môn thể thao mới: cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, bóng đá,..
Trong giai đoạn đầu khi mới thoát khỏi vòng lặp của sự nhàm chàn, anh đã từng “say yes” với rất nhiều hoạt động khác nhau: từ việc chơi thể thao cho đến những hoạt động đi chơi ở nhiều nơi khác nhau. Nhờ vậy mà dần dần anh nhận ra và hiểu về “style” của bản thân mình hơn.
Giai đoạn 2: Maybe
Đến giai đoạn này, chúng ta cần tập trung hơn.
Sau khi đã trải nghiệm đủ rộng, chúng ta bắt đầu nhận ra là mình đã thích và hứng thú với chủ đề nào. Vậy nên, lúc này là lúc chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn với các cơ hội mới đến với mình:
- Cơ hội này có phù hợp với mình không?
- Cơ hội này có thích hợp trong giai đoạn này hay không?
- Cơ hội này có xứng đáng để mình tập trung nhiều vào hay không?
“Maybe” nghĩa là mình cân nhắc thật kỹ trước khi nói có hoặc từ chối với những cơ hội đó. Điều này cho phép chúng ta loại bỏ bớt những thứ không phù hợp mà chỉ tập trung trải nghiệm những gì mình yêu thích trước đó.
Giai đoạn 3: Say no more often
Đến với giai đoạn này, mình đã hiểu và xác định cực kì rõ cá tính, phong cách của mình là như thế nào.
Lúc này, bạn sẽ “Say No” với hầu hết những thứ không thuộc về cá tính của mình, mà chỉ “Say Yes” với 1-2 thứ thực sự làm mình hứng thú. Điều này cho phép chúng ta đào sâu về 1-2 chủ đề nào đó và giúp mình có được sự sâu sắc.
Ví dụ:
- Với thể thao, sau khi anh đã trải nghiệm đủ mọi thể loại từ cầu lông, bóng bàn, đá banh, chạy bộ,… Nhưng để chọn 1 môn duy nhất mà anh đã theo đuổi đều đặn trong vòng 5 năm qua: Đó là Boxing. Bởi vì khi tập trung vào Boxing, môn thể thao này cho anh một cảm giác đó là kết nối được với bản thân của mình. Vậy nên, khi có 1 giải chạy marathon mà người người nhà nhà đều tham gia thì anh cảm thấy rất thoải mái để “Say No” bởi vì anh biết đó là thứ không dành cho mình.
- Khi đi chơi, bởi vì anh hiểu mình thích một buổi đi chơi có mục tiêu là đến đó để học hỏi và trải nghiệm nhưng vẫn phải có đầy đủ tiện nghi. Vậy nên anh sẽ rất dễ từ chối những lời mời đi phượt mà không cảm thấy bị bỏ lỡ.
Lời Kết
Là người hăng say nhiệt tình cái gì cũng muốn thử hay là người biết rõ mình là ai để tập trung vào một vài chủ đề riêng biệt. Dù bạn ở trong giai đoạn nào thì cũng có nhiều điều thú vị và hay ho ở bản thân mình.
Nếu bạn đang tìm cách để trở nên thú vị hơn, hãy thử nhìn nhận lại xem mình đang ở trong giai đoạn nào và hãy cố gắng và hết mình cho giai đoạn đó. Như vậy thì bạn sẽ trở nên thú vị hơn trong mắt những người xung quanh và ngay cả với chính bản thân mình.
Xem toàn bộ clip anh chia sẻ về chủ đề này tại đây.