Đôi khi, nhắc đến tính cách “hướng nội” chúng ta thường có định kiến là: Hướng nội lúc nào cũng rụt rè, nhút nhát, lúc nào cũng bất lợi hơn so với người hướng ngoại. Điều đó là không đúng, mỗi tính cách đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng biệt.
Nếu nhận ra sớm hơn, có lẽ anh đã rèn luyện được những điểm mạnh này tốt rất nhiều. Mong rằng qua bài viết này, bạn có thể nhận ra những điều này sớm và rèn luyện nó.
Điều 1: Lắng Nghe Giỏi
Khả năng lắng nghe người khác là một lợi thế bẩm sinh, tiềm năng của người hướng nội.
Bẩm sinh người hướng nội không giỏi nói, không có nhu cầu thể hiện quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc của mình quá nhiều.
Bù lại, khi có người tâm sự hay có một chủ đề nào đó mà họ thực sự quan tâm, người hướng nội sẽ dễ hơn để “lắng lòng” mình lại, toàn tâm toàn ý lắng nghe câu chuyện của người đó.
Khi ở bên cạnh họ, những người xung quanh dễ có cảm giác được lắng nghe, thấu hiểu và cảm thấy an toàn.
Vậy nên, hướng nội không cần phải “mất sức” rèn luyện kỹ năng lắng nghe quá nhiều bởi vì đây là một khả năng tự nhiên mà họ có.
Điều 2: Khả Năng Ở Một Mình
Bởi vì cách người hướng nội “sạc năng lượng” là dành thời gian ở một mình nên họ sẽ ít có cảm giác cô đơn hơn so với người khác.
Dĩ nhiên, nếu muốn có nhiều mối quan hệ hơn thì chúng ta cần học cách kết nối ra bên ngoài.
Nhưng khi cần, người hướng nội có khả năng ở một mình để làm việc để học tập, nghiên cứu và không bị cảm giác cô đơn làm cho họ “tụt mood”.
Có nhiều người “không thể chịu nổi” khi ở một mình, vì vậy mà họ rất dễ lơ đãng và tìm kiếm kết nối từ bên ngoài và quên luôn việc mình đang làm.
Nhưng người hướng nội thì lại có thể tập trung 3-4 tiếng đồng hồ liên tục cho công việc mà họ thực sự yêu thích hay đào sâu về một chủ đề mà họ thực sự quan tâm.
Và họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với điều đó.
Thậm chí, họ còn xem những ngày được ở một mình như một món quà. Bởi vì khi đó họ được tự do làm điều mình muốn, dành cả ngày để nghiên cứu chủ đề mà họ quan tâm mà không sợ bị ai dòm ngó.
Vậy nên, họ sẽ độc lập và ít phụ thuộc hơn vào người khác.
Đó là khả năng mà không phải ai cũng có được.
Điều 3: Có Kiến Thức Sâu Về Chủ Đề Yêu Thích
Người hướng ngoại biết rất nhiều chủ đề khác nhau, nói về chủ đề nào họ cũng biết và thoải mái chia sẻ được.
Ngược lại, người hướng nội chỉ có sự quan tâm cho vài chủ đề nhất định nên đôi khi họ sẽ khó tham gia vào cuộc trò chuyện với nhiều người khác.
Nhưng điểm mạnh của hướng nội là có kiến thức sâu về 1 vài thứ mà họ cảm thấy thực sự quan trọng bởi vì họ không quan tâm đến quá nhiều thứ khác nhau, nên điều này cho phép họ có nhiều thời gian hơn để tìm tòi và hiểu sâu sắc về vài chủ đề mà họ thực sự hứng thú.
Không chỉ đơn giản là biết sơ sơ, họ thực sự đào sâu và chia sẻ về chữ “why” của chủ đề đó.
Vậy nên khi “chạm” đúng chủ đề mà người hướng nội yêu thích, họ sẽ nói không ngừng nghỉ.
Điều 4: Thuyết Trình Giỏi
Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ: “Không đời nào, em là người hướng nội ít nói vậy sao mà giỏi thuyết trình được?”
Nhưng sự thật là: Nỗi sợ thuyết trình là nỗi sợ mà ai cũng có, dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại.
Với cùng một bài thuyết trình:
Người hướng ngoại giỏi trong việc tương tác và khuấy động được không khí của buổi thuyết trình nhưng đôi khi lại khó tập trung vào việc chia sẻ những thông tin hữu ích và thậm chí quên luôn bài nói của mình.
Ngược lại, người hướng nội sẽ ít gặp khó khăn khi nói về chủ đề họ đã tìm hiểu kỹ. Bởi vì khi thuyết trình là chúng ta tập trung nói vào một chủ đề chuyên sâu. Và khi bước lên thuyết trình, họ không cần người nghe phải tương tác quá nhiều nên người hướng nội sẽ dễ tập trung vào phần bài nói và thuyết phục người nghe hơn.
Nhờ vậy mà người hướng nội sẽ dễ hơn để có một bài thuyết trình hay và có chiều sâu.
Điều 5: Ít Ảnh Hưởng Bởi Môi Trường Xung Quanh
Đơn giản là người hướng nội khá “cứng đầu” nên họ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Họ có thế giới riêng của mình, nên sẽ khó có một việc nào không quan trọng “lọt vào” được thế giới đó của họ.
Người hướng nội khó bị ảnh hưởng bởi quan điểm, suy nghĩ, góc nhìn, mục tiêu của người khác nếu như họ không muốn.
Có thể họ sẽ không giỏi “cãi lại”, phản kháng những điều đó, nhưng thật ra những điều đó không tác động vào bản thân họ được.
Điều 6: Khả Năng Leadership
Nhiều bạn sẽ nghĩ: “Em nhát lắm anh ơi, làm việc nhóm còn không xong nữa nói gì đến làm leader!”
Dĩ nhiên, nếu ngày hôm nay nếu bạn còn đang tự ti thì không thể trở thành leader giỏi ngay được. Nhưng nếu bạn tìm cách cải thiện được sự tự tin của mình, đó là lúc tiềm năng của người hướng nội sẽ giúp bạn trở thành người lãnh đạo giỏi.
Thông thường, có những người leader rất tự tin, họ thích nói, thích thể hiện quan điểm của mình.
Nên khi nói về một vấn đề, họ nói liên tục, làm cho nhân viên của họ nghĩ:
“Giờ mình có nói gì thì cũng không hay bằng ý của sếp, có nói ra thì cũng bị chỉnh đường này, vặn đường kia, cuối cùng quay về cũng là ý của ổng. Vậy thôi mình suy nghĩ làm gì nữa? Giao gì làm nấy là được rồi.”
Và điều đó khiến cho những người còn lại ngại nói lên quan điểm và ý kiến của mình.
Nhưng người hướng nội, họ có thói quen lắng nghe người khác một cách tự nhiên nên sẽ dễ dàng hơn trong việc góp nhặt được những ý tưởng hay từ các thành viên của mình. Họ dễ cho những người làm việc cùng cảm giác được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến. Và bên cạnh việc lắng nghe, người hướng nội còn có khả năng đào sâu để đặt câu hỏi cho đối phương. Khi đó, nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái và có nhu cầu muốn chia sẻ hơn rất nhiều.
Lời Kết
Người hướng ngoại trông có vẻ có nhiều lợi thế hơn. Nhưng người hướng nội lại có những tiềm năng chưa được khai phá hết.
Bất kể thế giới đang xoay chuyển thế nào hay tính cách tự nhiên của bạn ra sao, hãy áp dụng những thế mạnh của người hướng nội, bạn sẽ bất ngờ với khả năng của mình.
Nếu bạn đã biết những tiềm năng mà người hướng nội có, và muốn tìm hiểu khó khăn của mình để từng bước giải quyết những vấn đề trong giao tiếp và thể hiện bản thân. Anh có một video chia sẻ kỹ hơn về những lý do làm cho bạn vẫn chưa thể hiện được những điều mà mình muốn với người khác, bạn có thể tham khảo video đó tại đây.