Sau khoảnh khắc “ăn mừng” ngắn ngủi khi nhận được thư mời phỏng vấn, có lẽ các bạn sẽ ngay lập tức rơi vào cảm giác lo lắng.
Lo lắng không biết mình sẽ phải đối diện với nhà tuyển dụng như thế nào? Lo lắng không biết mình sẽ nhận được những câu hỏi gì? Lo lắng không biết mình nên trả lời như thế nào? Lo lắng về cách thể hiện của mình sẽ không đủ tốt?
Vậy làm thế nào để tự tin bước đến buổi phỏng vấn?
1. Xác định tư duy “Buổi phỏng vấn là một buổi tìm hiểu nhau.”
Đầu tiên, bạn cần xác định được rằng buổi phỏng vấn không phải buổi để nhà tuyển dụng kiểm tra bạn, mà là buổi mà bạn và nhà tuyển dụng tìm hiểu về nhau để xem xét về độ “match” của hai phía.
Nhà tuyển dụng tìm kiếm ở bạn:
- Tính cách: tùy theo bối cảnh của công ty, tính chất của công việc mà nhà tuyển dụng cần tìm những ứng viên có tính cách tương ứng.
Ví dụ: bạn là nhân viên IT và thuộc tính cách một người hướng nội, bạn rất phù hợp để làm việc độc lập, bạn phát huy được hết khả năng của mình khi làm việc một mình nhưng hiện tại công ty lại đang cần một ứng viên đảm nhận vị trí quản lý nên cần người có khả năng giao tiếp, trình bày, kết hợp đội nhóm tốt để hoàn thành được mục tiêu chung và lúc này bạn chưa có được tính cách phù hợp với công ty.
- Năng lực: họ tìm kiếm một người có đủ những khả năng yêu cầu để có thể mang lại một kết quả cụ thể cho doanh nghiệp của họ.
Ví dụ: công ty đang mong muốn tìm được một người có năng lực chuyên môn ở mảng thiết kế đã có kinh nghiệm trên hai năm nhưng bạn chỉ là một sinh viên mới ra trường vẫn chưa có đủ khả năng để có thể tạo ra kết quả ngay lập tức mà cần được đào tạo nhiều hơn, do đó lúc này năng lực của bạn chưa đủ đáp ứng được tiêu chí của công ty.
- Mong đợi: họ muốn hiểu được mong đợi của bạn khi ứng tuyển. bạn có những dự định, mong chờ gì về sự nghiệp trong tương lai ở công ty hay chỉ muốn làm để có công việc.
Ví dụ: nếu công ty đang mong chờ một người ứng viên có thể gắn bó lâu dài với công ty để họ có thể sẵn sàng đào tạo nhưng bạn lại chỉ mong đợi rằng khi ứng tuyển vào bạn sẽ làm việc một thời gian ngắn để lấy kinh nghiệm và ra đi thì lúc này mong đợi giữa bạn và công ty sẽ không “match” được với nhau.
Bạn tìm kiếm ở nhà tuyển dụng:
- Sản phẩm của công ty.
- Đối tượng khách hàng của công ty.
TIPS: Bạn cần hiểu được công ty đang kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ gì nhắm đến đối tượng khách hàng nào để có thể hiểu rõ hơn về công ty mình đang ứng tuyển cũng như giúp “ghi điểm” với nhà tuyển dụng về sự quan tâm của mình đối với công ty.
Văn hóa công ty: để cân nhắc bản thân có thật sự thích và phù hợp với văn hóa của nơi này.
Ví dụ: nếu bạn là một người nhân viên quan trọng về phúc lợi khen thưởng ở một công ty, thì một công ty có văn hóa không có quá ưu tiên ngân sách cho việc khen thưởng sẽ không phù hợp với mong chờ của bạn. Hoặc bạn là một người thích tự do nhưng văn hóa của công ty lại bắt buộc nhân viên mặc đồng phục.
Khi xác định được sự win-win trong vấn đề này, bạn sẽ có được một tâm thế tự tin hơn khi đến buổi phỏng vấn.
2. Chuẩn bị kỹ nhưng ĐỪNG học thuộc lòng.
Để làm được điều này,
Bạn cần hiểu:
- Cấu trúc của một câu trả lời đúng.
- Những kiểu câu trả lời sai.
- Bản chất của từng câu hỏi.
- Mong chờ của nhà tuyển dụng về câu trả lời.
Sau đó, bạn cần:
- Tìm “chất liệu” từ chính bản thân.
- Đưa được câu trả lời chân thành nhất.
Không nên:
- Tìm những câu trả lời mẫu trên mạng.
- Học thuộc lòng và mang chúng đến buổi phỏng vấn.
(Đọc thêm: TOP 10 Câu Hỏi Phỏng Vấn + Câu trả lời chi tiết)
3. Luyện tập cách trả lời câu hỏi phỏng vấn.
Luyện tập ở đây không phải là học thuộc những câu trả lời, sau đó tập trả lời một mình hay ở trước gương.
Mà bạn hãy:
Tìm một người bạn để đóng vai nhà tuyển dụng và luyện tập như đang ở một buổi phỏng vấn thực sự.
- “Nhà tuyển dụng” bắt đầu đưa ra những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn.
- Bạn sẽ ngồi đối diện, chuẩn bị tinh thần, thái độ và đưa ra câu trả lời như đang ở trong một buổi phỏng vấn thật sự.
TIPS: Cách này sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn những điều mà bạn nói vì bạn đã được thực hành nhiều lần một cách trực tiếp.
4. Chuẩn bị kỹ năng thể hiện bản thân.
Để làm được được điều này, bạn cần kiểm soát được trạng thái cảm xúc của bản thân khi trình bày.
Và để kiểm soát được trạng thái cảm xúc khi đến buổi phỏng vấn, bạn nên tuân thủ theo 2 mẹo sau đây:
Mẹo thứ 1: Đến sớm trước 30 phút.
Bạn không nên đến sát giờ phỏng vấn mà thay vào đó hãy có mặt trước 15-30 phút vì khi bạn đến vừa kịp giờ thì bạn cũng ở trong trạng thái gấp gáp và không thể thoải mái được.
Lợi thế:
Khi đến sớm, bạn có thể tránh được những vấn đề phát sinh không dự đoán trước như kẹt xe, đi nhầm đường, không biết nơi để xe… và tự đó có được sự chủ động nhất định.
Mẹo thứ 2: Mở đầu ấn tượng trong buổi phỏng vấn.
Khi vào phòng phỏng vấn bạn nên trang bị cho mình sự tự tin, không nên quá lo sợ mà có những cử chỉ “mất điểm” như cúi sát đầu, không dám nói chuyện, bắt tay,…
Bạn cần:
- Luôn giữ thẳng lưng.
- Mở cửa bước vào nhẹ nhàng và ngồi vào vị trí của mình.
- Có thể bắt tay nhà tuyển dụng (nếu cần).
- Sau đó sẵn sàng đón nhận những câu hỏi của họ.
Lợi thế:
Khi có được mở đầu tốt, sẽ giúp bạn tạo được “đà” để tiếp tục buổi phỏng vấn suôn sẻ hơn.
Tips: Khi bước vào phòng, hãy hành xử một bình tĩnh, lịch sự không cần quá rụt rè, lo sợ.
Lời Kết
Khi tham gia phỏng vấn ngoài việc chuẩn bị về hình thức bên ngoài, bạn cũng cần có những bước chuẩn bị chắc chắn về mặt tinh thần và phía trên là 4 bước mà bạn có thể áp dụng để có thể có trang bị một sự tự tin nhất định sẵn sàng dối diện với những câu hỏi của nhà tuyển dụng.