19/09/2023

Tránh 6 Lỗi Giao Tiếp Này Để Ai Cũng Yêu Quý Bạn

“Tại sao mình luôn có cảm giác là người khác có vẻ không thích mình?” – Đây có lẽ là câu hỏi mà bạn đã từng hỏi bản thân không ít lần. Cảm giác “người khác không thích mình” là một cảm giác không mấy dễ chịu, và phần nhiều trong số đó đến từ […]
Duy Khương Huỳnh

“Tại sao mình luôn có cảm giác là người khác có vẻ không thích mình?” – Đây có lẽ là câu hỏi mà bạn đã từng hỏi bản thân không ít lần. Cảm giác “người khác không thích mình” là một cảm giác không mấy dễ chịu, và phần nhiều trong số đó đến từ cách chúng ta giao tiếp, tương tác với nhau.

Trong bài viết này, anh sẽ giúp bạn nhận ra 6 lỗi giao tiếp khiến mình “không dễ thương” trong mắt người khác mà bạn nên tránh.

Thói quen 1: Khoe khoang, thể hiện

Đây là kiểu người rất thích khoe mẽ, thể hiện là mình giỏi hơn, biết nhiều hơn người khác. Đôi khi, cuộc trò chuyện có liên quan đến mảng kiến thức nào đó mà họ biết, họ lại bắt đầu “huyên thuyên” không ngừng về góc nhìn, quan điểm của bản thân.

Khi phạm lỗi sai và được góp ý, họ ít bao giờ lắng nghe một cách khiêm tốn và học hỏi. Bởi vì họ sợ nghe 1 điều gì đó chưa tốt của mình sẽ “dìm” bản thân của mình xuống. Câu cửa miệng của nhóm này thường là:

“Tao thấy tao đúng mà, chắc tại cái A cái B nên kết quả mới như vậy.”

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là lúc nào họ cũng liên tục đưa ra ý kiến nhưng không bao giờ cắm cúi ghi chép để học hỏi điều gì đó.

Điểm khác biệt duy nhất của người hay khoe khoang và 1 người tự tin thể hiện quan điểm là:

Người khoe mẽ là người muốn khoe để người khác nhìn thấy mình hay, mình giỏi như thế nào. Người thực sự tự tin là người không quan tâm người khác nghĩ gì, sự tập trung giải quyết vấn đề.

Đừng cố gắng thể hiện, khoe mẽ khi giao tiếp
“Nói ra điều này mọi người có nghĩ mình ngầu hay không?” – Tư duy của người thích khoe mẽ.

Ví dụ, trong một cuộc họp thảo luận về 1 vấn đề mà họ đã có kinh nghiệm, giải pháp và muốn chia sẻ để mọi người có hướng đi.

Người khoe mẽ sẽ cố gắng tìm những điều mình biết và nói ra chỉ với mục tiêu duy nhất là “khoe” mình biết nhiều, biết rộng đến đâu mà không thực sự đóng góp đúng điều cần nói. Ngược lại, người tự tin là người nói ra để cùng đóng góp giải quyết vấn đề, dù không chắc đúng 100% nhưng họ mong muốn đưa ra để mọi người cùng thảo luận.

Thói quen 2: Rụt rè, nhút nhát

Nhiều bạn nghĩ rằng việc im lặng và thu mình lại thì sẽ không làm hại đến ai. Tuy nhiên, khi bạn “không làm cái gì” thì cũng có thể gây ra cảm giác khó chịu cho người khác.

thumbnail 2 1 1
Rụt rè, nhút nhát – thói quen khiến mọi người xung quanh cảm thấy khó chịu.

Ví dụ:

  • Họp nhóm cũng không dám nêu ý kiến gì, được người khác hỏi thì cũng trả lời ngại ngùng “À không sao, mình không có ý kiến gì đâu.” Hoặc có ý tưởng khác nhưng vì ngại nên không phản biện mà im luôn.
  • Đi tới nhà bạn chơi ai hỏi thăm cũng ngồi 1 chỗ “ừm, dạ, cười!”. Không tương tác, không trả lời, không quan sát là có ai cần phụ giúp hay không.
  • Kiểu người gặp gì cũng sợ, nói chuyện với ai cũng sợ. Khi đó, bạn sẽ gán ghép cho người đối diện một ý nghĩ không tốt “Ủa? Bộ tui ăn hiếp bạn hay gì mà bạn sợ tui dữ vậy?”

Tuy không phải cố tình, nhưng chính sự rụt rè đã biến nơi bạn đến là một nơi rất đáng sợ, biến những con người ở nơi đó thành những người hung dữ và xấu xa.

Thói quen 3: Luôn than vãn

Untitled 8

Đây là kiểu người làm cho người khác cảm thấy mệt mỏi, tiêu cực mỗi khi gặp. Mỗi lần gặp họ là nghe những lời than thở về: cuộc sống mình khổ cực như thế nào, đang khó khăn ra làm sao, đang ghét ai,..

“Dạo gần đây nghèo quá mày ơi.”

“Quán cà phê mày hẹn gì mà khó tìm dữ vậy.”

“Ngày hôm nay thời tiết nắng nóng khó chịu ghê vậy đó.”

Đó là những “bậc thầy” trong chuyện than vãn, họ luôn nhấn mạnh vào những điều đau đớn, khó khăn. Những lúc tích cực thì họ lại biểu hiện không cảm xúc, không chia sẻ niềm vui với ai.

Thử tưởng tượng, ở gần những người hay than thở bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Đó là cảm giác mệt mỏi, lâu dần mình chỉ muốn tránh xa họ. Cho nên để trở thành một người “dễ thương”, đừng có chuyện gì cũng than vãn, càm ràm trong cuộc sống.

Thói quen 4: Hay cãi cùn

Kiểu người thứ hai khác với kiểu người đầu tiên ở điểm mà họ luôn thích cãi lời mà không căn cứ vào bất kỳ lý do rõ ràng nào. Mọi luận điểm của họ thường dựa trên cảm xúc cá nhân, và câu cửa miệng thường nghe từ họ là:

“Tao thấy cái này đúng”

“Ủa tao nói đúng mà, mày nghĩ tao nói xạo hả?”

thumbnail 8 1
Người hay cãi cùn sẽ khiến cho mọi người xung quanh ngán ngẩm và xa lánh.

Trong một tập thể, những người xung quanh thường nhắc nhau rằng:

“Thôi, mỗi khi nói chuyện với nó, mọi người đừng chấp nó nha.”

Bởi vì cách họ thể hiện ý kiến khiến mọi người cảm thấy “chán” khi trò chuyện và tạo ra không khí căng thẳng không cần thiết.

Thói quen 5: Hay thích chê người khác

Đây là kiểu người cực kỳ giỏi trong việc tìm thấy điểm yếu của người khác và…chê. Thậm chí, họ thường nói xấu người không có mặt trong nhóm. Nhưng họ lại ít khi nhìn về bản thân của mình, bởi vì: Khi không chê người khác, họ sợ người khác sẽ chê mình.

thumbnail 22

Chê bai một cách tiêu cực với người khác là cách nhanh nhất để người đó mất đi sự tự tin của mình.

Tại sao lại có những người thích chê người khác?

Nếu từ nhỏ mình bị phán xét bởi những người xung quanh thì lâu dần người đó sẽ mất đi sự tự tin vào chính mình. Như một cơ chế phòng thủ, cách tốt nhất để người khác không thấy sự tự ti đó là nhìn vào những điểm yếu của người khác và.. chê. Đôi khi, chúng ta cũng mắc lỗi này mà mình không nhận ra nhưng vô tình lại làm người khác tổn thương.

Thói quen 6: Đùa giỡn vô duyên

Trong một nhóm, để tạo không khí vui vẻ và thoải mái hơn, thường có thói quen đùa giỡn, chọc ghẹo nhau. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc nói chuyện hài hước và nói chuyện “kém duyên” lại rất mỏng manh.

Để chọc ghẹo người khác, chúng ta thường lấy điểm yếu của người khác ra để đùa. Nhưng việc này sẽ chỉ có tác dụng khi áp dụng với những mối quan hệ thân thiết và đã có được sự cho phép của đối phương. Điều quan trọng là chúng ta cần tôn trọng và hiểu rõ người mà mình đang nói chuyện, để tránh gây tổn thương hoặc làm ai đó cảm thấy khó chịu.

thumbnail 30
Ranh giới giữa việc nói chuyện hài hước và nói chuyện “kém duyên” lại rất mỏng manh.

Vậy nên, để tránh lỗi giao tiếp này bạn cần biết:

Thay vì lấy điểm yếu của người khác làm trò cười, hãy lấy
điểm yếu của mình làm trò cười.

Với điều kiện bạn không cảm thấy tổn thương với điểm yếu đó. Có thể là về hình thể, màu da, về một khuyết điểm nào đó mà bạn không có cảm giác bị tự ti bởi nó. Để làm được điều đó, bạn phải thực sự vượt qua điểm yếu đó và không ngại để chia sẻ với mọi người.

Lời Kết

Cuối cùng, chúng ta đều là con người với những thói quen của riêng mình. Việc nhận ra những thói quen xấu trong giao tiếp cũng là một bước trên hành trình cải thiện bản thân tốt hơn. Chưa cần nghĩ đến việc mình phải giao tiếp xuất sắc, chỉ cần tránh được 6 lỗi này thì bạn cũng đã “dễ thương” hơn trong mắt của người khác.

Đọc thêm bài viết tương tự:

6 Kiểu Giao Tiếp Dễ Bị Ghét

3 Bài Học Về Sự Ít Nói Giúp Bạn Tự Tin Hơn

1 Nỗi Sợ Khiến Bạn Không Thể Bắt Chuyện Với Người Lạ (Dù Rất Muốn)

Bạn cảm thấy bài viết bổ ích chứ?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Điểm đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá 2

Không có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Khóa học cho bạn

Khóa học Kỹ năng Giao tiếp, Thuyết Trình - Public Speaking

Chương trình huấn luyện giúp bạn xây dựng sự tự tin thông qua kỹ năng giao tiếp, thuyết trình

Lộ trình

08 tuần

Hình thức

Zoom

Học phí

Liên hệ

Giảng viên: Huỳnh Duy Khương