“Cứ rớt phỏng vấn hoài, phải làm sao?”
Đây là câu hỏi mà chắc hẳn có nhiều bạn đã và đang phải tự hỏi bản thân, là do mình “xui” hay mình “sai” mà phải liên tục tham gia các buổi phỏng vấn rồi lại nhận về thư từ chối.
Khi các bạn đã “dày công” từng bước tạo CV, tìm hiểu và lựa chọn công ty phù hợp, thì đừng để đến lúc được gọi phỏng vấn bạn lại vì sự chủ quan mà đánh mất cơ hội làm việc của mình.
Dưới đây sẽ là 8 điều cần biết để bạn có thể sẵn sàng ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Điều thứ 1: Thiết lập mong đợi.
Đây là một điều để giúp các bạn không mắc phải cảm giác “run” khi bước vào buổi phỏng vấn vì khi đã hiểu được về mong đợi bạn sẽ biết rằng đây sẽ là một buổi để bạn và phía công ty cùng tìm hiểu về nhau.
Bạn sẽ tìm hiểu về những vấn đề của công ty để xác định được đây có phải là một nơi phù hợp để bạn gắn bó hay không.
Công ty sẽ tìm hiểu về bạn để biết được bạn có đủ năng lực để hoàn thành được những công việc mà họ cần hay không.
Mọi thứ dựa trên nguyên tắc win-win, do đó khi đã định hình được điều này trong đầu, bạn sẽ có một tâm thế hoàn toàn chủ động và bình tĩnh để bước vào một buổi “tìm hiểu” với công ty.
Điều thứ 2: Khiêm nhường và tự tin.
Khi bước đến phỏng vấn, dù biết rằng đây là một buổi tìm hiểu nhau nhưng có một việc các bạn cũng cần hiểu rằng, trong “buổi tìm hiểu” này nhà tuyển dụng vẫn là phía sẽ đưa ra quyết định việc “mối quan hệ” đi đến đâu.
Anh từng gặp một vài trường hợp các bạn ứng viên đi du học ở nước ngoài về. Khi được hỏi về thông tin về nơi từng học tập và làm việc, các bạn trả lời một cách đầy “kiêu hãnh”, có phần hơi tự cao vì luôn nhấn mạnh về việc bạn du học ở nước ngoài.
“Em từng du học ở Mỹ, em học và ở lại vài năm sau đó về lại Việt Nam, và giờ em muốn tìm một công ty chuyên nghiệp, có các yếu tố em mong muốn để em có thể làm việc.”
Nhưng sau đó, khi anh và team nhân sự ngồi tìm hiểu kỹ lại thì thấy những bạn này chỉ học ở trường tư nhân, nghĩa là nếu có điều kiện tài chính thì sẽ có thể tham gia học.
Hãy chia sẻ thật rõ ràng, rành mạch với một thái độ khiêm nhường và học hỏi, bạn sẽ có được sự thiện cảm từ công ty và chắc chắn họ cũng có thể nhìn được những thế mạnh bạn đang có.
Bởi vì, sự khiêm nhường chính là đích đến của một kẻ mạnh.
Tuy nhiên, anh còn một thêm một chữ “tự tin” để lưu ý các bạn không được biến sự “khiêm nhường” thành “rụt rè”.
Có một vài trường hợp các bạn khi bước vào phòng phỏng vấn với một phong thái rụt vai của mình lại, đi nhẹ nhàng như thể không dám bước vào.
Và khi có người phỏng vấn bắt tay, bạn cũng không đủ tự tin nên cúi sát người xuống để bắt tay lại.
Đó là phong thái không nên có khi các bạn tham gia phỏng vấn, vì chúng ta khiêm nhường nhưng không có nghĩa là đánh mất hết sự tự tin.
Bạn có thể tuân thủ theo những bước sau để có thể có được một phong thái ấn tượng khi bước vào phòng phỏng vấn:
- Bình tĩnh, tự tin mở cửa bước vào.
- Kéo ghế nhẹ nhàng ngồi đúng vị trí của mình.
- Thoải mái bắt tay khi cần, có thể hạ thấp tay hơn một chút.
- Sẵn sàng đón nhận những câu hỏi từ người phỏng vấn.
Điều thứ 3: Biết người, biết ta.
Có rất nhiều trường hợp các bạn nộp đơn ở nhiều nơi theo một cách tự nhiên mà các bạn hay gọi đó là “rải CV” và đến khi có một công ty liên hệ phỏng vấn, lúc này bạn lại không thể nào nhớ nổi công ty đó là công ty nào.
Đây là một điều rất cấm kỵ, đừng bước vào phỏng vấn mà không có bất cứ thông tin gì về công ty.
Nhưng chúng ta nên xem những thông tin nào? Cái nào cần thiết và cái nào không cần thiết?
Tất nhiên bạn sẽ không thể nào nghiên cứu về tất cả mọi thứ như chiến lược kinh doanh, khách hàng mục tiêu của họ.
Vì rất khó để một người đứng bên ngoài có thể hiểu được sâu những điều này.
Để biết về NGƯỜI, có một mẹo rất đơn giản mà các bạn có thể áp dụng đó là bất cứ thông tin nào công ty công bố ra ngoài, bạn đều phải biết.
Những thông tin đó thường sẽ xuất hiện ở Website, Fanpage, Instagram,… của công ty.
Có vài thứ anh có thể gợi ý để các bạn hình dung rõ hơn những thông tin các bạn cần biết:
- Sản phẩm/dịch vụ của công ty.
- Đối tượng khách hàng của công ty.
- Xem kỹ lại mô tả công việc (JD) đang mong đợi một ứng viên như thế nào.
Đây là những thông tin sau khi đã chuẩn bị xong sẽ tạo được cho bạn một sự tự tin nhất định vì lúc này bạn đã biết về NGƯỜI.
Tiếp đến, để hiểu được phần TA, bạn hãy xem lại CV của mình và hiểu rõ những chi tiết mà bạn đã viết ở đó.
Xác định những điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng và đừng quên chuẩn bị những câu chuyện minh chứng cho những thông tin trên.
Việc này rất quan trọng để tránh trường hợp khi nhà tuyển dụng hỏi và bạn không biết sẽ phải trả lời như thế nào vì không nhớ được lý do tại sao bạn đã viết như vậy trong CV.
Điều thứ 4: Có mặt sớm.
Để có thể có được một buổi phỏng vấn thành công, có một yếu tố quan trọng bạn nên lưu ý đó là có mặt sớm hơn giờ hẹn 15 phút thay vì chỉ đến đúng giờ.
Vì bạn sẽ không thể dự đoán trước được những tình huống bất ngờ có thể khiến bạn trễ vì đây là lần đầu tiên bạn đến công ty.
Trường hợp nếu bạn đến vừa kịp giờ vào buổi phỏng vấn, thì nó vẫn khiến bạn có cảm giác áp lực về mặt tinh thần và không thể nào thoải mái được.
Đây là điều cũng sẽ “ngầm” chứng tỏ với nhà tuyển dụng bạn là một người có kế hoạch, có tổ chức và chăm chỉ-những tiêu chí rất quan trọng trong công việc sau này.
Điều thứ 5: Ăn mặc phù hợp và tôn trọng.
Khi đến các buổi phỏng vấn, thường sẽ có hai lỗi về cách ăn mặc mà các bạn thường hay mắc phải.
Trường hợp một: Ăn mặc quá xuề xòa.
Lúc này bạn sẽ mặc đại những trang phục mà thường ngày vẫn hay mặc hoặc những trang phục có hơi hướng “street style” và cho rằng chỉ đang thể hiện cá tính riêng của bản thân.
Nhưng liệu “cá tính” đó có thực sự phù hợp để dành cho ấn tượng đầu tiên và tính chất công việc bạn đang ứng tuyển.
Trường hợp hai: Ăn mặc quá trịnh trọng.
Trường hợp này, các bạn thường sẽ mặc các trang phục nghiêm túc đến mức mọi người bị nhầm lẫn vai trò của bạn và nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
Do đó, khi lựa chọn trang phục đến buổi phỏng vấn, bạn cần cân nhắc dựa trên hai tiêu chí sau:
- Sự phù hợp với công ty.
- Thể hiện được sự tôn trọng với người bạn gặp gỡ. Bạn có thể chọn trang phục trung lập nhất có thể như quần Jeans áo sơ mi, ít nhất sẽ không gây mất thiện cảm và sự tập trung với người phỏng vấn bạn.
Điều thứ 6: Chuẩn bị những câu hỏi thường gặp.
“Bạn có thể giới thiệu về bản thân mình không?”
“Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?”
“Tại sao công ty phải chọn bạn?”
Sẽ có rất nhiều câu hỏi “cơ bản” nhà tuyển dụng sẽ thường xuyên sử dụng, do đó bạn cần chuẩn bị trước được câu trả lời cho mình.
Cách chuẩn bị tốt nhất không phải là sẽ lên mạng sau đó tìm kiếm những câu trả lời mẫu và học thuộc chúng để mang đến buổi phỏng vấn.
Vì những nhà tuyển dụng đã có kinh nghiệm lâu năm, khi họ nghe được câu trả lời mẫu họ sẽ ngay lập tức nhận ra.
Do đó, điều cần làm ở đây là hiểu được chính xác ý nghĩa những câu hỏi mà người phỏng vấn dành cho bạn.
- Tại sao họ lại hỏi bạn câu hỏi đó?
- Họ muốn biết điều gì khi hỏi câu hỏi đó?
- Họ cần nghe điều gì từ câu hỏi đó?
Khi đó, tự động bạn có thể có cho mình được câu trả lời đúng và đủ nhất.
Vì khi đưa ra câu hỏi, nhà tuyển dụng họ muốn nhìn được rõ ràng hơn về tư duy, tính cách của bạn qua cách bạn trả lời chứ không chỉ là “đáp án”.
Điều thứ 7: Tập luyện những câu hỏi thường gặp.
Để làm được điều này, sẽ rất đơn giản, bạn chỉ cần nhờ một người bạn của mình đóng vai nhà tuyển dụng. Sau đó bạn bắt đầu ngồi và trả lời những câu hỏi như đang ở trong một buổi tuyển dụng thật sự.
Dù việc này rất đơn giản, nhưng nó thường khiến bạn cảm thấy không thoải mái, chần chừ, ngần ngại vì bạn nghĩ “Việc này cũng đơn giản mà, không làm cũng không sao.”
Và đúng như các bạn nghĩ, đây là một điều hầu hết mọi người sẽ không làm vì đều nghĩ rằng những câu trả lời đó chỉ cần nhìn qua thì đã có thể nhớ và trả lời.
Nhưng có một điều anh muốn nhắc các bạn, phỏng vấn chính là một cuộc chọn lọc để tìm ra người phù hợp và nổi bật nhất giữa những ứng viên còn lại.
Vậy nếu bạn bỏ ra thời gian và công sức để làm một việc mọi người không để ý đến thì có phải chính thái độ này đã giúp cho bạn tạo được một “thế mạnh” khác biệt hay không?
Điều thứ 8: Thường xuyên kiểm tra Email.
Sau buổi phỏng vấn, phía nhà tuyển dụng sẽ có thông báo thời gian để phản hồi lại kết quả.
Do đó, sau buổi phỏng vấn, việc bạn cần để tâm đó là thông báo email của mình, để đảm bảo bạn sẽ không bị bỏ lỡ bất cứ thông tin nào mà công ty gửi đến.
Anh từng biết về trường hợp một bạn, sau khi đi phỏng vấn kết thúc công ty có hẹn với bạn ba ngày sau sẽ có kết quả phản hồi qua email.
Sau đó bạn ấy về nhà và quên mất việc kiểm tra email của mình,đến tận ba ngày sau, khi bạn kiểm tra thì bạn phát hiện là đã bỏ qua email thông báo kết quả của công ty.
Và vì công ty không nhận được phản hồi của bạn do đó phía công ty có chủ động liên hệ cho bạn qua số điện thoại, tuy nhiên lúc đó bạn đang ngủ và khi thức dậy nhìn thấy cuộc gọi nhỡ là số máy lạ bạn cũng không để ý để gọi lại.
Với lí do này, công ty cũng đã chuyển lại cơ hội làm việc cho một bạn ứng viên tiềm năng khác phỏng vấn cùng đợt với bạn.
Thế là bạn ấy đã bỏ lỡ mất một cơ hội cho mình cũng như phí mất nhiều thời gian, công sức bản thân đã bỏ trước đó chỉ vì sự chủ quan và vô tâm.
Lời kết.
Đó là tất cả 8 điều mà bạn có thể ghi chép vào bất cứ đâu bạn cảm thấy tiện như một Checklist riêng của mình. Và khi bạn đã đảm bảo đáp ứng được hết tất cả những điều anh đã liệt kê phía trên thì anh chắc chắn các bạn sẽ có được một sự an tâm toàn vẹn để bước vào buổi phỏng vấn với một tâm thế đầy tự tin.