Có 1 tình huống mà nhiều người trong chúng ta từng trải qua: Đó là khi chúng ta nghĩ là mình đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn sẽ có người luôn giỏi hơn mà mình không thể nào được như họ. Khi đó, chúng ta sẽ có xu hướng so sánh mình với những người khác và có niềm tin tiêu cực về bản thân. Trong bài viết này, anh sẽ gợi ý cho bạn một câu hỏi có thể giúp bạn phần nào “gỡ bỏ” được niềm tin tiêu cực này.
“Mình cố gắng hết sức rồi mà vẫn có một số thằng hơn mình” – câu chuyện của bạn học viên
Đó là câu chuyện của Huy Hoàng – học viên khóa PS – trong 1 buổi thực hành giao tiếp khóa học Public Speaking. Bạn có thể lắng nghe chia sẻ của Hoàng trong video bên dưới (phút 1:20):
Tóm tắt đoạn chia sẻ của bạn:
“Từ lớp 9 lên lớp 10, khi thi vào cấp 3 thì em đứng hạng 28/30. Nhưng sau khi học một thời gian, thấy mấy thằng bạn của mình cố gắng dữ quá. Tới lớp 12 thi Đại học thấy tụi nó “căng” quá, ai cũng căng hết…Thì bản thân em cũng “chơi” hết mình luôn! Kết quả là em cũng đứng hạng thứ 5, thứ 6 của lớp khi mà kết thúc cấp 3.
Vậy nên, em hoàn toàn đồng ý với việc nếu mình cố gắng thực sự hết sức thì mình sẽ tiến bộ. Và mình có thể thấy được sự tiến bộ rất là rõ ràng. Nhưng đôi khi, mình cố gắng hết sức rồi mà vẫn có một số thằng hơn mình. Gặp thì em chỉ đứng trước mặt nó và nói:
“Riêng mày thì tao thua!”. Đúng là em hoàn toàn đồng ý với câu “có công mài sắt có ngày nên kim”, nhưng sẽ luôn có người luôn giỏi hơn mình dù mình đã cố gắng hết sức.”
Một niềm tin hạn chế tiềm năng của bạn
Thông thường trong hành trình nâng cấp bản thân, chúng ta thường có niềm tin là: “Mình có cố gắng cỡ nào cũng không thể giỏi như đứa bạn của mình được.” Đó cũng chính là suy nghĩ của anh trong những năm học đại học.
Vào năm 3 đại học, Quân – một đứa bạn cực kì giỏi trong nhóm bạn thân của anh đã bắt đầu đi làm thêm, làm dự án, tham gia các cuộc thi. Thậm chí, tham gia cuộc thi do PNG tổ chức và đượt lọt vào top 20 trong hàng trăm đội tham gia.
Trên kênh của mình, anh đã có một video mời bạn để cùng chia sẻ về chặng hành trình tìm kiếm “công thức thành công” của Quân. Bạn có thể tham khảo video đó tại đây:
Có lần, để làm một chiến dịch quảng cáo về PNG thì Quân cần nhiều người để cùng khảo sát thị trường bằng cách đi hỏi những cô chủ cửa hàng về việc nhập sản phẩm của PNG. Vậy nên, nó có đến và hỏi anh: “Ê, muốn làm khảo sát thị trường chung với tao không?”
Lúc đó, anh còn rất là nhát. Nhưng vì suy nghĩ “Thôi dù gì mình cũng là sinh viên năm 3 rồi” nên cũng đồng ý với lời đề nghị đó. Ngày họp lại để cùng review kết quả với cả nhóm, anh có trình bày về KPI của mình và kết quả đạt được. Trong đó, có một khu vực anh chỉ đạt được 70% mục tiêu đặt ra.
“Ủa sao kì vậy?” – nó hỏi anh.
“Do là khu vực này có mấy cô chủ cửa hàng khó tính lắm…Mấy khu vực còn lại thì khi thấy sinh viên đi khảo sát thì hỏi cô còn trả lời nhiệt tình. Chỗ này khó quá tao không làm được đâu, may ra có thằng đó (đứa bạn hướng ngoại mà anh có nhắc đến trên kênh của mình) mới làm được thôi” – anh trả lời.
“Sao mày lại có niềm tin đó? Sao mày nghĩ là chỉ có mình nó mới làm được?” – bạn anh hỏi tiếp.
Chính câu hỏi đó làm cho anh “khựng lại” trong một vài giây…
Anh đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, dự định sẽ nói: “Dĩ nhiên là bởi vì nó là đứa hướng ngoại, khéo mồm khéo miệng. Cái miệng nó mày biết mà, đi đâu cũng nói chuyện được hết. Còn tao thì cố gắng dám nói chuyện với mấy cô chủ cửa hàng đó là giỏi rồi.”
Nhưng ngay lúc đó, câu hỏi của nó làm anh hơi “giật mình”. Anh quyết định không đổ lỗi như mọi khi nữa mà nói: “Ừ thôi để tao cố gắng hỏi nó thêm.” Cũng không tin là bản thân sắp tới sẽ đạt được KPI, nhưng khoảnh khắc đó anh biết là mình đã làm được một việc: Dừng biện minh cho suy nghĩ của mình.
Những ngày sau đó, anh bắt đầu quan sát cách đứa bạn hướng ngoại của mình bắt chuyện với những cô chủ cửa hàng khó tính. Và nó làm được, một cách rất từ tốn, nhẹ nhàng và lễ phép để đạt được mục tiêu.
Chính câu hỏi của đứa bạn ngày hôm đó đã khiến cho anh suy nghĩ và liên tục chất vấn bản thân cho cả hành trình sau này để đạt được kết quả mà mình mong muốn.
Lời kết
Đôi khi, thứ bạn cần không phải là những lời khuyên, lời động viên theo kiểu “Cố lên nha, mày làm được mà!”. Mà thứ bạn cần là một câu hỏi đúng để khơi gợi những suy nghĩ, để chất vấn lại những niềm tin mà bạn đang có.
Vậy nên, nếu bạn cũng đang có những niềm tin giới hạn thì hãy thử lấy một tờ giấy trắng a4 để viết lại và điền vào chỗ trống bên dưới:
“Tại sao mình lại tin là _____?”
“Niềm tin này đang giúp cho mình hay đang giới hạn mình?”
Chưa cần trả lời được ngay, nhưng theo thời gian chính việc đó lại giúp bạn nhận ra vài điều mà khi không tự hỏi mình thì bạn sẽ không bao giờ nhìn ra được.
Đọc thêm bài viết có chủ đề liên quan:
Làm gì khi sinh ra là người trung bình?