Trong vài giai đoạn của cuộc sống, bạn sẽ có cảm giác bản thân chưa đủ tốt, và những suy nghĩ đó có một điểm chung là: Sự nghi ngờ về chính bản thân mình.
Đó là điều mà chúng ta không thể tránh khỏi, vậy nên điều mà mình có thể chủ động đó là học cách để vượt qua và nhìn khó khăn này với một góc nhìn “khác” hơn. Từ đó, có nhiều niềm tin hơn cho những cột mốc trong cuộc đời của mình.
Con người là sinh vật sợ bị lạc loài…
Năm 1953, giáo sư Asch đã thực hiện một thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng nhất thể hiện sự “điên rồ” của tính bầy đàn.
Cuộc thí nghiệm diễn ra như sau:
Trong một căn phòng kín, ông gọi 7 người vào và vẽ lên tường 4 đoạn thẳng, thanh bên trái sẽ có một chiều dài nhất định. Còn 3 thanh bên phải sẽ được vẽ với 3 chiều dài khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là: Bạn hãy tìm thanh nào bên phải sẽ có chiều dài bằng với thanh bên trái?
Trong số 7 người tham gia thí nghiệm: chỉ có 1 người là tình nguyện viên thực sự, 6 người kia đều là người của giáo sư với mục đích làm nhiễu thông tin đưa ra.
Đây là câu trả lời dễ, nếu nhìn vào thì ai cũng có thể nói ngay là thanh số 2 sẽ bằng với thanh bên trái. Tuy nhiên, sau nhiều lần 6 người kia đồng loạt đưa ra đáp án sai là số 1 và 3 thì người tình nguyện viên ban đầu còn trả lời đúng. Nhưng sau một hồi, nhìn xung quanh ai cũng trả lời đáp án khác mình thì họ bắt đầu lung lay. Đến cuối cùng, người tình nguyện viên đó sẽ mặc định câu trả lời của đám đông là đúng và trả lời theo.
Thí nghiệm được thực hiện trên nhiều nhóm người khác nhau, kết quả thu lại đáng ngạc nhiên là: Tỉ lệ trả lời theo xu hướng đám đông là 9/10 người.
Con người là một sinh vật xã hội và có xu hướng bị kéo theo đám đông. Chúng ta thà sai còn hơn là khác biệt với mọi người.
Đây là kết quả cho thấy sức mạnh đám đông ảnh hưởng lớn đến tâm lý con người như thế nào. Chúng ta có bản năng để ý những người xung quanh đang nghĩ gì, họ đang theo hướng nào và sẽ sợ bị lạc loài ra khỏi đám đông.
Con người chúng ta có mong muốn là mọi người thích mình, đồng thuận với ý kiến của mình. Thậm chí, trong trường hợp mình thấy đám đông đang đi không đúng hướng thì mình vẫn quyết định đi theo đám đông bởi vì muốn có cảm giác an toàn, cảm giác được chấp nhận.
Peer-pressure và Self-doubt – 2 hội chứng khiến bạn nghi ngờ chính mình
Thật ra, tâm lý này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những lựa chọn và áp lực mà bạn đang có trong cuộc sống. Ngoài việc chúng ta hay bị kéo theo xu hướng đám đông thì tâm lý còn dẫn đến 2 vấn đề nổi trội mà anh thấy các bạn trẻ ngày hôm nay gặp phải rất nhiều: Đó là PEER PRESSURE và SELF-DOUBT.
Đôi khi, mình cũng sẽ áp lực từ những người thành công và nổi tiếng nhưng chúng ta sẽ không cảm thấy họ “gần gũi” cho nên áp lực ấy cũng không đáng kể.
Tuy nhiên, với những người cũng bằng tuổi mình hoặc thậm chí nhỏ tuổi hơn cả mình, hoàn cảnh cũng giống như mình – nhưng ngày hôm nay họ lại có kết quả này, thành tựu cực kì nổi bật.
“Mua nhà tuổi 22”
“Tự lập tuổi 18 và có nhà riêng”
“Gen Z lương ngàn đô khi vừa mới ra trường.”
“Du học sinh làm việc tại Big4, lương trăm triệu/tháng”
Nhìn lại bản thân, mình tự hỏi: “Tại sao đến tận bây giờ mình vẫn chưa có thành tựu gì, trong khi họ đã đạt được điều này, điều kia?”. Khi đó, chúng ta sẽ quay về và nghi ngờ chính bản thân mình: Self-doubt.
Giống như trong thí nghiệm của Asch, bạn tình nguyện viên đã bắt đầu nghi ngờ bản thân của mình. Lý do không có gì khác ngoài việc những người kia đang chọn một lựa chọn khác so với bạn và điều đó làm cho bạn nghi ngờ bản thân.
Bạn có đang bị tình trạng đó không?
Đôi khi mình cảm thấy bản thân chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi bởi vì áp lực từ những người xung quanh.
Đó là cảm giác mà anh đã trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc sống. Self-doubt là cảm giác sẽ không đến một lần, mà chúng ta sẽ trải qua cảm giác này nhiều lần trong đời.
Anh cũng từng nghi ngờ bản thân mình..
Một lần mà anh trải qua giai đoạn self-doubt là lần mà anh mới chuyển ngành. Anh học ngành Công nghệ thông tin tại trường Khoa học & Tự nhiên, khi ra trường thì anh cũng bắt đầu xin việc và làm trong lĩnh vực của mình.
Nhưng chỉ 1 năm sau đó, anh nhận ra là anh không phù hợp với nó. Thật ra anh đã nhìn ra được chuyện này trước đó, nhưng vì không đủ khả năng và không biết định hướng mới như thế nào nên anh vẫn tiếp tục theo đuổi chuyên ngành đó.
Đỉnh điểm là năm đó, anh cảm nhận rất rõ ràng rằng mình không phù hợp với ngành nghề này và bắt đầu chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác: Giáo Dục.
Ban đầu, khi còn mới, còn rất nhiều hào hứng và hi vọng. Anh nghĩ:
“Yeah, mình sẽ theo đuổi đam mê của mình. Mình sẽ phấn đấu, sống chết với lĩnh vực này và không còn phải bám trụ với ngành mình không yêu thích nữa.”
Nhưng rồi, 6 tháng sau đó, 1 năm sau đó..
Vấn đề xảy ra, mặc dù anh rất “enjoy” lĩnh vực mới này nhưng kỹ năng của anh vẫn chưa sẵn sàng. Anh còn thiếu rất nhiều cho nên kết quả cũng chưa đạt được bao nhiêu.
Trong khi đó, anh lại nghe tin bạn bè cũ ra trường làm CNTT đã có lương vài chục triệu với chế độ phúc lợi rất tốt, chỉ cần đi làm từ sáng đến chiều là được về nghỉ ngơi.
Còn anh? Khi dấn thân vào thứ mà mình say mê, anh vất vả từ sáng đến tối. Đó là lúc mà anh nghi ngờ lựa chọn của mình:
“Có khi nào, mình lựa chọn sai rồi không ta?”
“Hay là mình quay về với ngành nghề cũ, khám phá cái mới làm gì?”
“Ít nhất quay về cũng có tiền lương, có cuộc sống ổn định.”
Cho đến lúc anh nhận ra 1 điều mà anh sắp chia sẻ đến với bạn.
Lời khuyên thông thường: Believe in yourself
Đôi khi, lời khuyên này có tác dụng nhất định trong vài trường hợp. Nhưng về lâu dài, nếu chỉ tin vào bản thân mình thì chưa đủ. Bởi vì có những giai đoạn chúng ta vẫn chưa đủ kỹ năng, kiến thức cho một lĩnh vực nào đó thì làm sao mà chúng ta tin vào bản thân mình được?
Thử tưởng tượng…
Bạn đứng trước một hồ bơi mà bạn không biết bơi. Nếu bây giờ anh nói: “Hãy tin vào bản thân mình, nhảy xuống đi em. Nhảy xuống một hồi kiểu nào cũng bơi được thôi á mà.”
Đó là lúc tin tưởng dẫn đến sự mù quáng.
Sau khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó thì anh muốn nói với bạn rằng: Hãy cứ nghi ngờ.
Nhưng, đừng nghi ngờ bản thân. Mà hãy nghi ngờ 2 thứ sau: Doubt Your Doubt & Doubt Your Skill.
Doubt Your Doubt – Hãy nghi ngờ chính sự nghi ngờ của mình.
Lúc này, bạn hãy tự hỏi chính mình: “Liệu sự ngờ vực này có đúng như mình nghĩ hay không?”
Bởi vì đôi khi sự ngờ vực của bạn nó không đúng. Trong trường hợp của anh, khi anh đã bình tĩnh hơn thì anh đã tự hỏi: “Có thật là đứa bạn nào của mình làm ngành CNTT ra trường cũng có lương chục triệu hay không?”
Và rồi anh nhận ra: Có những đứa sẽ được thành tựu đó nhưng không phải đứa bạn nào của anh cũng vậy. Vài đứa khác cũng đang rất chật vật trên hành trình của nó.
Đó là lúc anh có cái nhìn khách quan hơn rất nhiều.
Tương tự, nếu trong giai đoạn nào đó trong cuộc sống bạn có những nghi ngờ dành cho bản thân. Hãy tự phản biện lại mình bằng cách nghi ngờ chính sự nghi ngờ đó.
Anh tin là lúc đó bạn đã nhìn khó khăn mình đang có một cách công bằng và khách quan hơn cho bản thân rất nhiều.
Doubt Your Skill – Hãy nghi ngờ kỹ năng mà mình đang có
Thay vì nghi ngờ bản thân, hãy nghi ngờ kỹ năng mà bạn đang có.
“Liệu kỹ năng của mình đã đủ để đáp ứng cho công việc này hay chưa?”
“Học 4 năm trời, thực hành không biết bao nhiêu dự án hoành tráng liệu có đáp ứng được thị trường hay không?”
“Có phải mình thất bại là do thị trường mong đợi một kỹ năng nào đó mà mình còn thiếu xót hay sao?”
Kỹ năng mới là thứ xứng đáng để bạn nghi ngờ, để từ đó mình có thể trau dồi thêm kỹ năng mới phục vụ cho mục tiêu của mình.
Tin vào 2 khả năng: Learn & Grow
Nếu điều gì cũng làm cho mình nghi ngờ, vậy thì có niềm tin nào giúp mình vực dậy?
Có 2 thứ mà bạn nên tin trong giai đoạn này để vượt qua cảm giác nghi ngờ chính mình: Tin vào khả năng Learn & Grow – tin vào việc bất cứ ai cũng có thể học hỏi và có khả năng trưởng thành được.
Ai rồi cũng có thể học đi, học nói, biết đọc, biết viết dù cho lúc nhỏ họ có “chậm tiêu” đến mức nào đi nữa. Vậy nên, bạn đừng quá lo!
Sự phát triển và trưởng thành không phụ thuộc quá nhiều vào một tài năng thiên bẩm nào cả, liên tục học hỏi và kiên trì với chúng thì cuối cùng sẽ đạt được thành quả thôi.
“Timeline” mỗi người sẽ khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn: Ai cũng có thể học hỏi và trưởng thành, hãy tin là ngày mai mình sẽ tốt hơn phiên bản của mình ngày hôm nay.
Vậy thì tin điều này để làm gì?
Câu trả lời của anh là: Để hành động – Take Action! Thay vì ngồi một chỗ và tự trách bản thân, hãy liên tục hành động thì đến một giai đoạn nào đó khi nhìn lại, bạn sẽ thấy là bản thân tiến bộ và trưởng thành hơn rất nhiều.
Đó là thói quen mà anh đã liên tục thực hành trong suốt những năm vừa qua để dần dần vượt qua sự nghi ngờ năng lực của chính mình.
Điều đó giúp anh có được thành tựu của ngày hôm nay, như bạn đã thấy qua những câu chuyện anh kể trên các trang mạng xã hội của mình.
Một trong những kỹ năng giúp anh làm được chuyện đó đến rất lớn từ việc anh rèn luyện cho mình sự tự tin, khả năng ăn nói của mình. Sau nhiều năm học hỏi và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là về kỹ năng hiểu tâm lý và cách giao tiếp với người khác thì cuối cùng anh cũng thiết kế được một lộ trình bày bản gồm 8 tuần trong để bất cứ ai cũng có thể rèn luyện và trau dồi kỹ năng này.
Nếu bạn cũng đang tự ti về khả năng giao tiếp của mình, anh hẹn gặp bạn trong hành trình huấn luyện kỹ năng này để giúp bạn trở thành một phiên bản tự tin và gỡ bỏ được cảm giác nghi ngờ bản thân mỗi khi cần phải trình bày hay tương tác với người khác.
Lời Kết
Cuộc sống của bạn sẽ khác đi rất nhiều nếu bạn thay đổi cách nhìn của mình về “sự nghi ngờ” này. Hãy nghĩ về nó như một dấu hiệu cho thấy mình đang trên hành trình trưởng thành, liên tục học hỏi và trau dồi để tốt hơn mỗi ngày.
Đọc thêm bài viết về chủ đề liên quan:
Nhớ kỹ 3 điều này khi cảm thấy bản thân “Không Đủ Tốt”