“Chào em, em có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?”
Đây là một câu hỏi rất phổ biến dường như sẽ xuất hiện trong tất cả các buổi phỏng vấn, tuy nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thật ra không phải vậy.
Câu hỏi này thường sẽ là câu hỏi mở đầu phỏng vấn, ấn tượng đầu tiên luôn là ấn tượng quan trọng nhất, thông qua câu hỏi này nhà tuyển dụng sẽ có được đánh giá chung về bạn.
Do đó, trong bài viết này anh sẽ chia sẻ một cách để bạn có được cho mình câu trả lời ấn tượng dành cho câu hỏi này.
Góc nhìn của nhà tuyển dụng.
Với những câu hỏi có mục đích cụ thể ví dụ như:
“Điểm mạnh, điểm yếu của em là gì?”
“Em đã từng có những kinh nghiệm nào rồi?”
Câu trả lời mà tuyển dụng muốn nhận lại đã được nêu trực tiếp trên câu hỏi, người trả lời chỉ cần trả lời đúng vào trọng tâm thì đã đáp ứng được mong đợi của họ.
Với câu hỏi mở “Em hãy giới thiệu bản thân”, điều mà nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở bạn là:
- Bạn trả lời câu hỏi NHƯ THẾ NÀO?
- Bạn trả lời CÁI GÌ?
Nghĩa là thông qua câu hỏi đơn giản đó, điều mà nhà tuyển dụng nhìn thấy đó chính là TƯ DUY của bạn.
Vậy nên nếu câu trả lời của bạn càng sâu sắc và thông minh, bạn sẽ càng được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Khi đã hiểu được tầm quan trọng của câu hỏi “Em hãy giới thiệu về bản thân mình?”, việc bạn cần làm là chuẩn bị câu trả lời có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Công thức giới thiệu bản thân.
Sai lầm khi giới thiệu bản thân
Một công thức điển hình mà hầu hết các bạn áp dụng để trả lời khi đi phỏng vấn:
- Em tên là…
- Em sinh năm…
- Quê em ở…
Những thông tin này nhà tuyển dụng họ không cần nghe vì họ đều có thể đọc được tại CV.
Khi trả lời như vậy bạn đã “vô tình” cho nhà tuyển dụng nhìn thấy bạn chưa thật sự chuẩn bị nghiêm túc trước khi đến buổi phỏng vấn.
Bạn phải trả lời trước với bản thân: “Mình có thể đóng góp được gì cho công ty?“
Khi đó, bạn sẽ có được câu trả lời giúp nhà tuyển dụng nhìn thấy bạn có tiềm năng để góp sức vào sự phát triển của công ty họ.
Công thức cho người có kinh nghiệm
Công thức áp dụng sẽ là:
- Tên của bạn là gì?
- Chuyên môn của bạn là gì?
Tiếp đến là:
“Em chuyên giúp cho *đối tượng A đạt được *kết quả B mà họ mong muốn thông qua những kiến thức,kỹ năng, quy trình, kinh nghiệm mà em có”
Ví dụ trong trường hợp bạn là một Copywriter, bạn có thể ứng dụng mẫu trả lời như sau:
Khi áp dụng được công thức này, chỉ với một vài câu đầu tiên, đã giúp cho phía công ty hình dung được rõ ràng hơn và biết được bạn có phải là người “phù hợp” mà họ đang tìm kiếm hay không.
Dĩ nhiên, sau đó để tìm hiểu sâu hơn thì họ có thể tìm hiểu chi tiết hơn vào những kinh nghiệm làm việc mà bạn đã chia sẻ.
Nhưng ngay từ đầu bạn đã tạo được cho họ ấn tượng rất tốt về sự rõ ràng, tư duy chọn lọc thông tin và cách trả lời đi thẳng vào vấn đề.
Công thức cho người chưa có kinh nghiệm
Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, thì không cần phải quá lo lắng về việc bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm.
Bạn cũng có thể ứng dụng công thức phía trên nhưng theo một hướng khác, khi bạn chưa có quá nhiều kết quả thực tế thì bạn có thể “bù đắp” chúng bằng thái độ của mình.
- Tên của bạn là gì?
- Chuyên ngành của bạn là gì?
- Bạn muốn giúp cho công ty đạt được những kết quả gì ở hiện tại và trong tương lai?
Ví dụ, bạn là một sinh viên Marketing vừa mới ra trường và muốn ứng tuyển vào vị trí Content Creator.
Mặc dù hiện tại những kinh nghiệm bạn có chưa thực sự mang lại quá nhiều giá trị nhưng thái độ có thể giúp bạn chứng tỏ được sự mong muốn làm việc và tiềm năng tạo ra những giá trị trong tương lai.
Vì khi xem qua CV của bạn, nhà tuyển dụng họ đã biết rằng bạn chưa có kinh nghiệm nhưng họ vẫn quyết định gọi bạn đến phỏng vấn nghĩa là họ sẵn sàng đào tạo cho bạn về mặt kỹ năng và kiến thức.
Và thứ quan trọng mà họ đang cần ở bạn chính là thái độ, tinh thần, năng lực trong việc học tập, rèn luyện và phát triển.
Lời kết.
Vậy hiện tại bạn đã biết mình sẽ chuẩn bị gì, đặt những kỹ năng nào vào công thức anh đã soạn cho các bạn chưa?
Nếu sau khi ngẫm nghĩ quá lâu nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời “nguyên vẹn” do còn quá nhiều “khuyết” về kỹ năng.
Hãy cứ bình tĩnh, không sao cả, vì khi bạn nhận ra được chuyện này cũng là lúc bạn biết mình cần phát triển bản thân để tạo được cho mình những kỹ năng “thực thụ”- nền tảng cho sự tự tin mà bạn cần dùng đến vào một ngày không xa.
Vì những câu nói, lời lẽ dù hay đến như thế nào cũng sẽ không thể giúp bạn thuyết phục được bất cứ ai nếu bạn không có được những “giá trị” thực sự.