07/04/2022

5 Sai lầm khiến bạn trở thành QUẢN LÝ THẤT BẠI và Cách Để Vượt Qua

Nếu bạn là người đang dẫn dắt đội nhóm của mình và luôn muốn các thành viên trong nhóm tin tưởng, gắn kết, và làm việc hết mình để đạt được kết quả cuối cùng. Nhưng đôi khi trong những hành động mình va chạm mỗi ngày, nếu không để ý, sẽ khiến cho bạn […]
Duy Khương Huỳnh

Nếu bạn là người đang dẫn dắt đội nhóm của mình và luôn muốn các thành viên trong nhóm tin tưởng, gắn kết, và làm việc hết mình để đạt được kết quả cuối cùng.

Nhưng đôi khi trong những hành động mình va chạm mỗi ngày, nếu không để ý, sẽ khiến cho bạn không đạt được sự tin tưởng, gắn kết phía trên.

Sự tin tưởng được xây dựng qua những hành động mà chúng ta làm việc với nhau mỗi ngày, chứ nó sẽ không xuất hiện ở những buổi party hay những buổi teambuilding. Trong những hoạt động diễn ra mỗi ngày đó, có những sai lầm sau cần tránh để không trở thành quản lý thất bại

Nếu như không làm được điều đó thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần và sự đoàn kết của cả nhóm.

Thích kiểm soát chi li mọi thứ nên hay tự ôm việc vào người

Mình nghĩ người quản lý, lãnh đạo phía trên sẽ có nhiệm vụ phân công, sắp xếp công việc xuống cho nhân viên phía dưới. Sau khi giao việc xong, mỗi người làm một việc và quản lý chỉ cần là người tổng hợp, kết nối mọi người lại với nhau thôi là xong.

Nhưng sau một hồi bạn phát hiện ra, mình không chỉ làm việc tổng hợp phía trên: cập nhật, đánh giá tình hình và bao quát mọi thứ. Mà còn nhảy xuống tuyến dưới để làm.

Sau một hồi, việc gì cũng có dấu tay của mình ở trong đó và nếu như không có mình tham gia vào, công việc sẽ chẳng hoàn thành được như ý muốn.

Dần dần, bạn sẽ rất dễ trở nên mệt mỏi và năng lượng đó sẽ vô tình ảnh hưởng tới tinh thần tiêu cực xuống cả nhóm để rồi kết quả chẳng ra được như ý muốn.

Bạn có liên hệ được với những điều ở phía trên không?

Hãy dần dần loại bỏ đi thói quen thích kiểm soát mọi thứ – đó là cái bạn có được lúc còn là một nhân viên xuất sắc. Thói quen đó sẽ là điểm mạnh khi bạn làm việc độc lập, nhưng nó sẽ biến thành điểm yếu khi bạn làm việc Teamwork.

Bạn càng kiểm soát nhiều thứ bao nhiêu, bạn càng có được ít thứ bấy nhiêu.

1 1

Hãy tưởng tượng trước mặt mình có một xô cát và nhiệm vụ đặt ra: hãy tới và dùng tay của mình để xúc cát lên và nắm được càng nhiều cát hết mức có thể.

Vậy như thế nào là tốt nhất?

Nếu bạn xúc cát lên và càng lúc càng nắm chặt tay mình lại, thì đừng ngạc nhiên khi thấy những hạt cát liên tục trôi xuống từ các kẽ tay của mình.

Nhưng nếu bạn muốn giữ lại được nhiều cát hơn, hãy để bàn tay của mình thoải mái thư giãn, đừng cố kiểm soát, thì cát sẽ nằm yên trên tay của bạn.

Bài học ở đây là:

Đôi khi đừng cố kiểm soát mọi thứ, khó lắm. Hãy thả lòng và thoải mái hơn thì đó là lúc mà kết quả sẽ xuất hiện.

Để có thể thay đổi được sai lầm này:

Hãy kiểm soát kết quả, đừng kiểm soát hành động

2 1

Nếu bạn có một mục tiêu dài hạn ở cuối mỗi dự án và để đạt được mục tiêu đó sẽ có nhiều đầu công việc khác nhau cần người nhận trách nhiệm để triển khai.

Hãy làm rõ về mục tiêu bạn muốn đạt được cùng với người chịu trách nhiệm cho mỗi đầu công việc cụ thể. Nếu bạn chưa an tâm để giao toàn quyền cho họ, không sao hết, có thể chia nhỏ mục tiêu đó ra thành nhiều cột mốc để dễ kiểm soát hơn và bạn sẽ là người kiểm soát và kiểm tra những kết quả đó.

Ví dụ:

  • Kết quả sau 1 tháng
  • Kết quả sau 1 tuần
  • Kết quả sau 3 ngày

Sau khi thống nhất những kết quả cụ thể cho từng cột mốc xong, hãy để cho nhân viên của bạn có không gian để tự mình xử lý công việc, nhiệm vụ được giao. Chứ đừng là một cái Camera lúc nào cũng soi xét từng chút, từng chút một, như vậy sẽ khiến cho nhân viên của bạn cảm thấy rất khó chịu và mất đi quyền riêng tư.

Quản lý chỉ cần kiểm soát mục tiêu, còn hành động cứ để nhân viên lo.

Thích đánh giá trước khi feedback

Khi nhân viên làm việc chưa hiệu quả, quản lý sẽ là người ngồi xuống để nói chuyện với nhau và muốn giúp họ thay đổi. Nhưng vì có thói quen hay nổi nóng và tức giận mỗi khi công việc không tốt nên hay buột miệng nói ra những câu khiến cho người đối diện muốn đóng đầu của mình lại và đó là lúc sẽ rất khó để làm việc và trao đổi rõ ràng với nhau.

Ví dụ những câu thường thấy:

  • “Ủa cái này mà làm cũng không được nữa hả?”
  • “Sao lúc nào kết quả cũng ra giống như vậy?”
  • “Ủa em, sao mọi thứ lại như vậy?”
  • “…”

Một điều cần lưu ý nếu bạn muốn góp ý hiệu quả cho người khác, đó là đầu của họ phải mở ra thì mới có thể tiếp nhận những ý kiến mới được.

Cách vượt qua

Học cách để kiểm soát cảm xúc của bản thân để từ đó có thể nhìn nhận được vấn đề một cách rõ ràng để từ đó đưa ra được hướng giải quyết hiệu quả.

Cho nhân viên những trải nghiệm “unhealthy” với công việc

Bạn đã bao giờ để cho nhân viên không hoàn thành công việc đúng hẹn hoặc đúng như mong đợi cũng không gặp vấn đề gì hết chưa?

Ví dụ, nhân viên nộp trễ báo cáo và do bạn không biết chia sẻ như thế nào cho phù hợp nên chỉ nói:” Lần sau em nhớ đúng giờ hơn nghe chưa!”

Nếu một vài lần để xảy ra những trải nghiệm giống như vậy, phần trăm rất cao là nhân viên của bạn sẽ không làm việc hết mình để đạt được kết quả như mong đợi đặt ra.

Cho nên, bất cứ khi nào cứ vấn đề xảy ra từ phía nhân viên, hãy hết sức nghiêm túc và thẳng thắn với họ để ngồi xuống nói chuyện rõ ràng về cảm xúc của bạn và tình hình thực tế khi để sai lầm xảy ra. Đồng thời, cũng cho họ chủ động đưa ra hướng cải thiện cho lần tới làm sao để lặp lại phải hành động đó một lần nào nữa.

Làm được chuyện đó, nhân viên của bạn sẽ nhận được một thông điệp ngầm là:

Làm việc không nghiêm túc và để ảnh hưởng tới kết quả công việc, tui sẽ không dễ dàng bỏ qua đâu, dù là lần đầu tiên.

Trễ deadline với nhân viên của mình

Nếu bạn đã từng để trễ hẹn với nhân viên của mình, đó là vấn đề rất lớn.

4 1

Bởi vì trách nhiệm của quản lý không chỉ là giao việc xuống cho nhân viên mà còn phải làm gương.

Tất cả những thứ bạn nói nhân viên hoặc cộng sự của mình làm, bạn phải là người đầu tiên làm được chuyện đó. Bởi vì nếu bạn yêu cầu họ đúng giờ mà bạn lại trễ giờ thì lần sau có nói…họ cũng chẳng nghe nữa đâu.

Hãy cố gắng hết sức để hoàn thành được những thứ mình nói ra, khi đó sức ảnh hưởng của bạn đối với nhân viên sẽ lớn hơn rất nhiều.

Hay thuyết phục nhân viên làm việc

Việc gì được giao xuống, bạn đều truyền cảm hứng, thuyết phục các bạn nhân viên phía dưới giống như vậy:

  • “Em nên làm cái này đi, đây là dự án rất quan trọng”
  • “Em nhớ phải làm việc hết mình nha!”
  • “Anh/chị khuyên chân thành là việc này em nên đảm nhận”

Nhưng nếu việc gì cũng phải đi thuyết phục thì tiến độ của công việc sẽ cực kì chậm. Đồng thời, bạn còn dạy cho nhân viên của mình một bài học sai:

Chừng nào cảm thấy được thuyết phục thì em mới chịu làm.

Lý do bạn luôn đi thuyết phục nhân viên làm việc bởi vì bạn đang có suy nghĩ xấu về 2 thứ:

CÔNG VIỆC

Ngay cả bạn, người quản lý, nhìn thấy đống công việc chuẩn bị được giao xuống cũng cảm thấy mệt mỏi và chẳng muốn làm nên mới phải đi thuyết phục người khác làm những công việc đó.

NHÂN VIÊN

Bạn nhìn xuống nhân viên của mình và thấy họ là người làm việc không có tinh thần, không có động lực để tự làm mọi việc nên cũng quyết định tới để thuyết phục họ.

Nhưng ngay từ ban đầu đã có suy nghĩ như vậy, nên quá trình làm việc diễn ra cực kì cực khổ đối với người quản lý.

Cho nên, đừng dạy cho nhân viên của mình bài học sai ở phía trên.

Để vượt qua được vấn đề này, hãy đổi ngược lại suy nghĩ của mình:

Bạn không cần thuyết phục nhân viên làm việc, mà nhân viên phải là người đi thuyết phục vì sao bạn nên giao công việc này cho họ.

Khi có suy nghĩ này, cuộc chơi sẽ thay đổi hoàn toàn.

Hãy biến bản thân mình trở thành một người hấp dẫn hơn trong mắt nhân viên để họ ao ước được tới và làm việc chung với mình.

3 1

Hãy biến công việc mình đang làm trở nên thật sự hấp dẫn, đến nỗi bạn nhìn vào còn muốn khao khát được làm.

Làm được điều phía trên, đó là lúc nhân viên sẽ là người chủ động tới với bạn chứ không còn là hướng ngược lại.

Giao việc mà chỉ nói WHAT nhưng không giải thích WHY

Đây là sai lầm anh thấy nhiều bạn quản lý thường mắc phải. Chỉ yêu cầu nhân viên làm cái này, làm cái kia mà không giải thích cho họ lý do cần phải làm những việc này, thì khi đó họ sẽ chẳng thể nào làm việc hết mình.

Một điều rất quan trọng bạn cần nhận ra trong kỹ năng giao việc: để người khác có thể làm việc hăng hái và nhiệt tình, hãy cho họ thấy đủ sự rõ ràng (clarity) trong những công việc đó về cả WHAT lẫn cả WHY.

Lưu ý: khi nhân viên chủ động tới để nhận việc từ bạn, đừng giải thích quá nhiều về mọi thứ, hãy để họ thuyết phục bạn trước. Nếu thuyết phục thành công, đó là lúc phù hợp để giao việc một cách rõ ràng (bao gồm WHAT và WHY)

Hay cố làm thân với nhân viên

Mọi người thường nghĩ để có thể kết nối với nhân viên cần phải thường xuyên có những dịp để kết nối với họ, như là rủ đi trà sữa, rủ đi coi phim,…

Càng kết nối thân thiết với nhau bao nhiêu, đội nhóm sẽ càng làm việc hết mình bấy nhiêu.

Đó là suy nghĩ vô cùng sai lầm.

Để có thể “kết nối” đúng cách, hãy nhận ra rằng, mỗi ngày trong mỗi công việc đều là dịp để kết nối với nhân viên của mình. Mỗi một cuộc họp, mỗi một dự án đều là những cơ hội bạn có thể tận dụng để teambuilding với đội nhóm của mình bởi vì đó là những thứ diễn ra hằng ngày.

Những lần đi ăn, đi chơi lâu lâu có thể diễn ra một lần nhưng nó không phải là thứ cốt lỗi khiến cho đội nhóm kết nối chặt chẽ với nhau.

Leader không cần phải thân với nhân viên.

Vì khi một mối quan hệ trở thân quá thân thiết thì sẽ rất khó để cả hai thẳng thắn với nhau khi gặp vấn đề trong công việc. Từ đó, rất dễ khiến cho kết quả của cả team giảm đi đáng kể.

Có một câu nói giống như vậy: một người sếp tốt thường là một người bạn tồi.

Sếp là người dẫn dắt bằng cách hướng dẫn và góp ý thích hợp để giúp nhân viên phát triển.

Sếp sẽ giúp bạn hạn chế tối thiểu rủi ro và mang đến kết quả nhất định.

Một người bạn tốt thường sẽ tỏ ra thương xót khi xảy ra một sai sót.

Còn 1 người sếp tốt sẽ nhận diện vấn đề đó và thẳng thắn phân tích làm sao để chuyện đó không xảy ra lần nữa.

Bạn muốn trở thành ai?

Một người sếp tốt…hay một người bạn tốt?

Bạn nghĩ công việc của quản lý chỉ là truyền thông tin xuống phía dưới

Anh thấy nhiều bạn hay có băn khoăn:

  • “Làm sao để em có thể giao việc hiệu quả hơn?”
  • “Làm sao để giao việc mà các bạn nhân viên chủ động hăng hái làm?”
  • “Làm sao để em quản lý tiên độ công việc của mọi người tốt hơn?”

Nhưng đó chỉ mới hoàn thành một phần trách nhiệm của người quản lý thôi và nó chưa đủ. Bởi vì hầu như những bạn quản lý ở đây thường sẽ là làm ở vị trí quản lý cấp trung, nghĩa là dưới mình có nhân viên và bên trên mình thì có sếp.

Thành ra trong vai trò của người quản lý, bên cạnh việc giao tiếp và phân công việc xuống tuyến dưới, mình cũng phải phối hợp hiệu quả và ăn ý với phía trên.

Anh hỏi bạn nè: Bạn tự tin bao nhiêu phần trăm là mình làm việc rất ăn ý với Sếp?

Ăn ý ở đây nghĩa là báo cáo, chia sẻ ý kiến, cập nhật tình hình, triển khai mọi thứ đúng như quy trình. Nếu có việc gì thay đổi là cập nhật và trao đổi thì sẽ không sợ Sếp mà dám trao đổi thẳng thắn và rõ ràng với họ.

Bao nhiêu bạn thật sự cảm nhận được chuyện đó?

Lý do phải làm điều đó là vì nó tới từ một trách nhiệm rất quan trọng của người quản lý là làm gương cho nhân viên của mình. Nếu bạn muốn nhân viên không sợ mình, bạn cũng phải là người không được sợ cấp trên. Nếu bạn muốn nhân viên luôn cập nhật thông tin đầy đủ, hành động đó cũng phải được bạn làm quyết định và triệt để với người sếp phía trên của mình.

Khi làm được tất cả những gì mình nói, sự ảnh hưởng và tôn trọng từ cấp trên lẫn cấp dưới dành cho bạn sẽ cao hơn rất nhiều.

Luôn để ý và ý thức được hiệu quả công việc của mình khi phối hợp với các cấp trong công ty bởi vì nó sẽ ảnh hưởng tới cách người khác nhìn nhận và đánh giá về bạn.

LỜI KẾT

Chỉ khi nào không còn kiểm soát chi li từng hành động của nhân viên, đó là lúc mà bạn mới có thể tăng được khả năng trở thành một quản lý giỏi để cùng nhân viên của mình tạo ra được nhiều hơn kết quả vượt ngoài mong đợi.

Nếu bạn muốn tìm hiểu về khoá học đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao về các bước và lộ trình để trở thành một quản lý xuất sắc thì có thể đăng kí tại đây:

Click vào đây đăng ký sớm và giữ cho mình một chỗ.

Anh hẹn gặp bạn tại lớp học.

Bạn cảm thấy bài viết bổ ích chứ?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Điểm đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá 5

Không có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Khóa học cho bạn

Khóa học Quản lý đội nhóm - The Underground Leader

Khóa huấn luyện Kỹ năng Quản lý Đội nhóm – Nâng cao năng lực giao tiếp, phối hợp.

Lộ trình

8 tuần

Hình thức

Zoom

Học phí

Liên hệ

Giảng viên: Huỳnh Duy Khương