22/09/2023

3 cách vượt qua sự rụt rè khi đi làm (ai cũng làm được)

“Đi làm phải nổi bật hơn người khác thì mới thăng tiến dễ dàng được” – Đó là câu nói bạn đã nghe nhiều người nói và nhắc nhở là khi đi làm mình cần thể hiện, cần nói nhiều hơn để chứng minh cho năng lực bản thân. Nhưng mỗi lần muốn đóng góp, […]
Duy Khương Huỳnh

“Đi làm phải nổi bật hơn người khác thì mới thăng tiến dễ dàng được” – Đó là câu nói bạn đã nghe nhiều người nói và nhắc nhở là khi đi làm mình cần thể hiện, cần nói nhiều hơn để chứng minh cho năng lực bản thân. Nhưng mỗi lần muốn đóng góp, muốn trình bày một ý tưởng nào đó bạn lại không thể nói ra như những gì mình nghĩ.

Sau nhiều lần như vậy, bạn dần không được lắng nghe và thậm chí còn bị đánh giá sai năng lực. Và rồi suy nghĩ “Thôi thì cứ làm tốt việc của mình, rồi người khác sẽ tự thấy điều đó” khiến bạn càng thu mình lại và không thể hiện được bản thân mình.

Lý do tại sao bạn cần vượt qua sự rụt rè…

Sau một ngày dài bận rộn với việc tương tác và xã giao với mọi người xung quanh, có bao giờ bạn trở về nhà với cảm giác dằn vặt bản thân?

Lại một ngày nữa mình không dám nói ra ý kiến của bản thân dù rất muốn, đợi người khác hỏi đến thì mình mới bặp bẹ câu được, câu mất.

Lại một ngày nữa mình muốn làm một điều gì đó nhưng lại sợ ánh mắt đánh giá của những người xung quanh, nên thôi không làm nữa.

Và rồi bạn nghĩ: “Cứ làm tốt việc của mình, rồi người khác sẽ tự thấy được điều đó.”

Nhưng làm mãi, cố gắng mãi mà cũng không được ai công nhận. Trước khi đi vào cách làm sao để vượt qua tình trạng này, anh muốn kể bạn nghe một câu chuyện…

(Bạn có thể bấm vào video để xem hoặc đọc phần chia sẻ anh viết bên dưới)

Ngày xưa, lúc anh còn đi dạy học cho các bạn học sinh cấp 2, anh từng gặp một học sinh kì lạ…

Thông thường, anh sẽ dạy 1 tiết học vào 8h sáng tại trung tâm của mình. Một quy tắc khi dạy học là giáo viên cần có mặt trước 15 phút trước khi buổi học bắt đầu để bật đèn và set-up chuẩn bị cho tiết dạy.

Lần đó, khi vừa bước vào phòng anh vừa bật đèn lên thì anh giật mình: Có 1 bạn ngồi “thù lù” bên trong phòng học tối thui.

Anh hỏi bạn: “Ủa em vào lớp hồi nào vậy?”

“Dạ em vào đây hơn 1 tiếng trước rồi ạ.” – bạn học sinh trả lời.

Anh thắc mắc: “Vậy nãy giờ em ngồi trong đây làm gì? Sao tới sớm vậy mà em không bật đèn lên?”

Bạn bắt đầu nhìn anh và..không trả lời được! Sau khoảnh khắc chớp mắt đó, anh nhận ra rằng đó chính là sự rụt rè. Có những bạn rất là rụt rè, nhút nhát. Không dám làm thứ này, không dám làm điều kia..mà chỉ ngồi chịu trận và cam chịu.

Một lý do mà anh nghĩ có thể giúp bạn phần nào giải thích được vấn đề tại sao có những người luôn cảm thấy bản thân rụt rè, không dám làm gì vì sợ người khác đánh giá.

Phần chia sẻ đó anh sẽ để tại đây: Lý do khiến hướng nội luôn sợ bị người khác đánh giá.

Ngay cả anh ngày xưa cũng từng trải qua cảm giác đó, và đây là một vấn đề lớn mà bạn cần phải giải quyết. Bởi vì khi đi làm, nếu chỉ giỏi về mặt kiến thức, chuyên môn. Nhưng không có sự dũng cảm bộc lộ bản thân ra để nói lên quan điểm của mình, theo đuổi cái mình muốn.

Bạn chỉ ngồi và chờ đợi thì không thể nào có 1 kết quả tốt được. Không thể nào có thu nhập tốt, không thể có sự thăng tiến. Sếp và đồng nghiệp cũng sẽ không nhìn thấy và công nhận mình.

Thậm chí, nếu bạn không có sự nổi bật, không có sức ảnh hưởng trong đội nhóm.

Thì thử tưởng tượng..

Khi công ty trải qua khủng hoảng kinh tế và cần cắt giảm nhân sự, ai sẽ là người nằm bên kia danh sách cho thôi việc?

Cách 1: Hiểu rõ quyền lợi, vai trò trong bất cứ việc nào bạn làm

Mỗi lần bạn đi đến một nơi, gặp một người nào đó thì đều cần có sự phối hợp. Khi đó, bạn tham gia vào với vai trò, trách nhiệm rõ ràng. Vậy nên, hiểu bản thân đang ở đâu

Với bạn học sinh trong câu chuyện, bạn tới trung tâm đóng tiền để được học. Và rồi, trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu học của bạn. Đó là một sự phối hợp, vậy nên việc bạn “bật đèn” là việc bạn được làm, là quyền lợi của bạn khi đi học.

| Khi bạn hiểu rõ mục tiêu, vai trò của cả 2 bên là gì, bạn sẽ biết mình có thể được làm gì.

Trong công việc, công ty cần bạn để thực hiện công việc, còn bạn cần công ty để có môi trường phù hợp – đó là lúc cả hai bên cần nhau để phối hợp và tạo ra kết quả.

Vậy nên, chẳng có gì phải sợ sệt. Bạn không sợ công ty khiển trách, công ty sẽ không phải sợ mình phải nghỉ việc. Đó là mối quan hệ win-win. Tư duy này sẽ có được khi bạn biết rõ giá trị bản thân, biết rõ mình có thể đóng góp gì cho công ty.

Tư duy win-win cần có trong mọi trường hợp để bạn vượt qua sự rụt rè
Tư duy win-win cần có trong mọi trường hợp để bạn vượt qua sự rụt rè

Ví dụ, khi tham gia vào một cuộc họp của công ty, bạn biết rất rõ bản thân mình là ai, mang lại giá trị gì cho cuộc họp đó cũng chính là khoảnh khắc bạn biết rằng mình có quyền được nói, thể hiện bản thân nên chẳng có gì phải sợ sệt hay không dám bộc lộ quan điểm của mình.

Không chỉ trong công việc, tư duy win-win là nguyên tắc nền tảng để xây dựng mối quan hệ bền vững. Đó là điều anh đã chia sẻ kỹ hơn trong tập podcast:

Tư duy Win – Win: Cách xây dựng mối quan hệ sâu sắc

Cách 2: Nếu sợ, hãy hỏi

Đây là kỹ năng cơ bản để “sinh tồn” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đôi khi, chúng ta ngại và không hiểu được lợi ích của kỹ năng này. Nếu trong khoảng thời gian đầu, bạn chưa biết một điều gì đó, cách đơn giản nhất để biết được là hỏi.

Không chỉ hỏi những kiến thức mình không biết, mà hãy những điều mình được phép làm và không được phép làm. Đặc biệt là khi đi làm và phải tiếp xúc với nhiều người, với nhiều tích cách khác nhau.

Nếu không biết mình có được phép làm một điều gì đó không, hãy hỏi.
Nếu không biết mình có được phép làm một điều gì đó không, hãy hỏi.

Ví dụ, nếu bạn muốn hỏi một người đàn anh trong công ty về kinh nghiệm làm việc nhưng lại sợ làm phiền họ, thì hãy hỏi: “Dạ anh ơi, em có việc này muốn hỏi. Không biết là hỏi bây giờ thì có phiền anh không ạ?”

Nếu họ trả lời rằng đang bận, thì thôi, bạn có thể lịch sự trả lời: “Dạ em cảm ơn anh, em sẽ hỏi anh vào dịp sau nha.” Hỏi trước vậy để biết là mình có được quyền không, được phép hay không. Khi đó bạn sẽ biết “cái gì được làm, cái gì không được làm” mà không còn cảm giác là bản thân đang làm phiền người khác.

Khi đi làm, sẽ có những khoảnh khắc bạn không thể hoàn thành công việc nếu không có sự giúp đỡ, phối hợp cùng người khác. Vậy nên, anh đã ví dụ 2 cách đơn giản và dễ làm mà bạn có thể áp dụng để cảm thấy không còn rụt rè, ngại ngùng vì làm phiền người khác:

Cách 3: Chủ động làm nhiều hơn những thứ được mong đợi

Không cần điều gì cũng phải hỏi, phải xin phép người khác thì bạn mới được làm. Sẽ có những điều mà bạn cần chủ động quan sát, làm và phản hồi của xung quanh sẽ là một lời xác nhận cho hành động của bạn. Bởi vì nếu chuyện gì cũng hỏi, bạn sẽ trở nên thụ động và hỏi những câu “hiển nhiên”.

Chủ động làm nhiều hơn những thứ được mong đợi giúp bạn vượt qua sự rụt rè và tự tin hơn.
Quan sát những người xung quanh sẽ giúp bạn xác nhận được câu trả lời mà không cần phải hỏi.

Ví dụ, khi đi làm và bạn có ý tưởng hay muốn đề xuất với sếp thì đừng hỏi: “Anh ơi, nếu em có ý tưởng thì em có được quyền đề xuất hay không ạ?”. Bởi vì câu trả lời đương nhiên sẽ là có, vì điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến ai.

Nếu ý tưởng tốt, nó sẽ được duyệt. Nếu không đề xuất tốt thì không được duyệt. Còn quyền được đề xuất thì nhân viên nào cũng sẽ có.

Vậy nên, bạn chỉ cần quan sát xung quanh mọi người đang như thế nào, có vấn đề gì chưa được giải quyết và đề xuất ý tưởng của mình.

Viết 1 email, đề xuất 1 ý tưởng mới,…Nếu sếp phản hồi lại thì tốt, nếu không thì thôi. Đó là một thông điệp để bạn làm công việc của mình tốt hơn. Bởi vì không được duyệt không có nghĩa là bạn yếu kém, mà ngược lại đó là một thái độ làm việc chủ động mà sếp sẽ nhìn thấy và ghi nhận bạn.

Chủ động làm nhiều hơn – thói quen giúp anh lên vị trí quản lý chỉ sau 6 tháng..

Sau khi làm xong vai trò và trách nhiệm được giao, anh bắt đầu quan sát và đề xuất thêm những ý tưởng để công việc cải tiến hơn. Có một lần, email đề xuất anh gửi cho sếp không được nhận phản hồi. Mãi đến lần thứ 2, lần thứ 3 anh bắt đầu được sếp trả lời…

Và rồi, ngày đó cũng đến, khi sếp đáp lại với những lời khen ngợi và sự chấp thuận:

“Rất tốt, em rất chủ động Khương. Chúng ta hẹn gặp lại để bàn về ý tưởng này nhé.”

Khoảng thời gian sau đó, anh liên tục đưa ra những ý tưởng mới để triển khai, cải tiến giúp công việc tốt hơn. Sau 6 tháng, với tinh thần và thái độ tốt anh được lên vị trí Manager.

Bài học mà anh nhận ra giúp anh tự tin hơn trong công việc, đó là:

Hãy quan sát và chủ động làm nhiều hơn những thứ mình được mong đợi, thay vì chờ đợi được cho phép thì mới làm.

– Huỳnh Duy Khương –

Sau đó, nhìn vào cách người khác phản hồi. Bạn sẽ biết mình cần phải làm gì tiếp theo.

Lời Kết

Khi mới đi làm, sẽ có những điều bạn nghĩ là mình không dám, không được phép làm. Tuy nhiên, trước khi sợ hãi và rụt rè trước một điều gì đó, hãy nhớ lại 3 điều mà anh đã chia sẻ trong bài viết này:

  1. Mọi thứ đều là sự win-win, khi bạn hiểu rõ giá trị và vai trò của mình thì một cách tự nhiên bạn sẽ tự tin hơn.
  2. Nếu không biết việc mình làm có làm phiền đến người khác hay không, hãy hỏi.
  3. Học cách quan sát và tự nhìn nhận, nếu việc bạn làm không ảnh hưởng đến ai thì không cần phải có sự cho phép.

Đọc thêm bài viết liên quan:

>> 5 thói quen cư xử giúp hướng nội được yêu quý hơn khi đi làm

>> Đừng cố thay đổi tính cách của mình, dù bạn là HƯỚNG NỘI hay HƯỚNG NGOẠI

>> 3 Kiểu Ứng Xử Giúp Người Hướng Nội Nổi Bật

Bạn cảm thấy bài viết bổ ích chứ?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Điểm đánh giá trung bình 4.5 / 5. Số đánh giá 2

Không có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Khóa học cho bạn

Khóa học Kỹ năng Giao tiếp, Thuyết Trình - Public Speaking

Chương trình huấn luyện giúp bạn xây dựng sự tự tin thông qua kỹ năng giao tiếp, thuyết trình

Lộ trình

08 tuần

Hình thức

Zoom

Học phí

Liên hệ

Giảng viên: Huỳnh Duy Khương