13/10/2024

3 Cách khắc phục thói quen nói nhanh

Làm sao có thể khắc phục tính nói nhanh? Một trong những lý do khiến bạn luôn gặp vấn đề khi giao tiếp đó là vì bạn nói quá nhanh. Thậm chí, đôi khi bị líu lưỡi và người khác không thể hiểu bạn nói gì. Qua thời gian, nếu không dành thời gian luyện […]
Duy Khương Huỳnh

Làm sao có thể khắc phục tính nói nhanh?

Một trong những lý do khiến bạn luôn gặp vấn đề khi giao tiếp đó là vì bạn nói quá nhanh. Thậm chí, đôi khi bị líu lưỡi và người khác không thể hiểu bạn nói gì. Qua thời gian, nếu không dành thời gian luyện tập để chỉnh sửa thì sẽ khiến cho người khác khó hiểu được những gì bạn nói và dẫn đến phớt lờ lời nói của bạn. Vậy nên, trong bài viết này anh sẽ chia sẻ cho bạn 3 cách để vượt qua tình trạng nói nhanh của mình.

Tại sao bạn nói nhanh?

nói nhanh là một trở ngại lớn khi bạn giao tiếp với bất kỳ ai

1. Bạn không tự tin với thứ mình đang nói

Trường hợp nào bạn sẽ nói nhanh hơn so với mọi khi? Đó là khi bạn không chắc chắn về một điều gì đó khi nói ra. Bởi vì băn khoăn là liệu mình chia sẻ ra có đúng với mong đợi của mọi người hay không, có đang bị nói sai không.

Đặc biệt là khi có người hỏi bạn một câu hỏi bất ngờ mà bản thân chưa kịp phản ứng. Theo phản xạ thông thường, chúng ta có xu hướng nói nhanh thứ mà mình đang nghĩ và mong đợi là người khác sẽ không nghe rõ chúng.

Bởi vì bạn sợ người khác nghe được thứ mình đang nói và đánh giá là mình đang nói sai, nói dở. Đó là một hiệu ứng kèm theo khi bạn chưa hoàn toàn tự tin với điều mình đang nói.

2. Sợ làm phiền người khác

Khi cần nói chuyện với người khác, nhưng thấy họ không sẵn sàng để giao tiếp. Vậy nên, bạn ráng nói nhanh cho xong bởi vì suy nghĩ “mình mà nói chậm thì kì quá”. Vậy nên, bạn quyết định “nói một lèo” cho xong.

3. Do thói quen từ nhỏ

Đôi khi, không phải vì bạn chọn nói nhanh mà bởi vì nói nhanh đã là một thói quen của mình trong nhiều năm trời. Có một số bạn có cảm xúc dạt dào nên mỗi lần kể một điều gì đó, bạn thường có thói quen nói rất nhanh, rất hào hứng theo kiểu:

“Trời đất ơi, để tao nói cho mày nghe cái này nè! Hôm qua coi một bộ phim này hay lắm,…”

Đó là thói quen trong cuộc sống, bởi vì bạn đã là người năng động, chia sẻ nhiệt tình. Bởi vì đây là thói quen, cho nên bạn sẽ không thể điều chỉnh nó trong khoảng thời gian ngắn.

3 cách vượt qua vấn đề nói nhanh

1. Tập trung vào người nghe, thay vì bản thân

giai phap 1

Mục tiêu của việc “nói” là để có người nào đó nghe mình, không phải là để thỏa mãn nhu cầu muốn nói của bản thân. Đặt sự tập trung của mình hướng về phía khán giả. Đó có thể là một người, hai người, một hội nhóm hoặc hàng trăm người khác nhau.

Khi bạn đặt sự chú ý vào người nghe, bạn sẽ bắt đầu quan sát và tự hỏi:

“Mình nói như vậy thì người ta có nghe được không?”

“Mình nói vậy thì họ có theo kịp ý của mình không?”

“Ánh mắt như vậy là họ đã hiểu ý của mình chưa?”

Khi đó bạn sẽ dần dần tự biết sắp xếp ý trong đầu và để ý tốc độ nói như thế nào cho hợp lý. Vậy nên, đừng chỉ tập trung vào bản thân mà hãy tập trung vào người nghe.

2. Xác định rõ mục đích từng cuộc trò chuyện

giai phap 2

Lý do khiến một người không tự tin với điều mình đang nói là do bạn đang đặt mục tiêu mỗi lần nói ra thì nó phải hay, phải ngầu, phải ấn tượng.

Bạn có mong đợi người đối diện sẽ thích, sẽ ngưỡng mộ mình. Vậy nên, bạn tạo cho bản thân một áp lực không đáng có. Bởi vì trong một cuộc trò chuyện, chúng ta có rất nhiều mục tiêu khác nhau. Đôi khi trong cuộc trò chuyện, chúng ta nói ra là để nhận lại sự góp ý.

Ví dụ, bạn đến trình bày ý tưởng với sếp không phải để nhận lại sự khen ngợi:

“Trời ơi, ý tưởng của em hay ghê! Triển khai luôn đi em!” – Đó là một mong đợi không thực tế.

Hãy trình bày để nhận lại sự lắng nghe và góp ý, bởi vì mục đích của bạn là khắc phục những điểm chưa hoàn hảo.

Bước vào một cuộc trò chuyện mà đã xác định rất rõ tâm thế ngay từ ban đầu thì bạn không còn áp lực là phải nói nhanh, phải trình bày cho xong. Vậy nên, hãy tự hỏi bản thân: “Mình muốn nhận được điều gì sau khi trò chuyện?”

3. Chậm lại quá trình từ “Nghĩ” đến “Nói”

giai phap 3

Khi được hỏi bất ngờ mà chưa kịp chuẩn bị kỹ, nếu nói ngay những điều mình nghĩ thì sẽ khiến cho người đối diện không đọng lại được gì sau khi lắng nghe bạn.

Vậy nên, bạn không cần phải áp lực bản thân phản hồi ngay lập tức. Nếu bạn chưa kịp nghĩ ra câu trả lời thì hãy cứ thoải mái xin thêm thời gian, ví dụ:

“Anh cho em 1 phút để sắp xếp lại ý trong đầu đã nha”

“Anh cho em trước 2 giờ để trình bày cho anh về con số để báo cáo lại nha”

Khi đó, bạn đã có đủ thời gian để sắp xếp lại ý tứ trong đầu cho nên khi nói ra bạn sẽ giữ được sự điềm tĩnh và không bị “cuốn theo” lời nói của mình. Và đừng sợ làm phiền người khác nếu xin thêm thời gian, họ chỉ cảm thấy phiền nếu bạn không cho họ biết phải đợi đến khi nào.

Thử tưởng tượng.. Bạn đến một tiệm cắt tóc và ở đó có rất nhiều khách đang đợi. Bạn hỏi nhân viên: “Khi nào thì tới lượt mình bạn ha?”

Nếu câu trả lời là: “Em chưa biết nữa, anh cứ ngồi đợi đi.” Thì cho dù đợi 5 phút, 10 phút cũng thấy rất lâu và sốt ruột vì mình không biết phải chờ đến bao giờ. Còn nếu câu trả lời của họ là: “Hiện tại đang khá đông, nên 30 phút nữa mới tới lượt của anh nhé.” Khi đó, bạn sẽ có mong đợi đúng và thoải mái khi chờ đợi.

Lời kết

Đó là 3 cách bạn có thể rèn luyện để sửa “tật” nói nhanh của mình. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian nếu nói nhanh đã trở thành một thói quen của bạn trong nhiều năm. Vậy nên, trong lúc áp dụng cách vượt qua này cần sự kiên nhẫn của bạn.

Đọc thêm bài viết tương tự:

6 Kiểu Giao Tiếp Dễ Bị Ghét

3 Bài Học Về Sự Ít Nói Giúp Bạn Tự Tin Hơn

1 Nỗi Sợ Khiến Bạn Không Thể Bắt Chuyện Với Người Lạ (Dù Rất Muốn)

Bạn cảm thấy bài viết bổ ích chứ?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Điểm đánh giá trung bình 3.2 / 5. Số đánh giá 5

Không có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Khóa học cho bạn

Khoá học Kỹ năng Giao tiếp, Thuyết Trình - Public Speaking

Chương trình huấn luyện giúp bạn xây dựng sự tự tin thông qua kỹ năng giao tiếp, thuyết trình.

Lộ trình

8 tuần

Hình thức

Zoom

Học phí

Liên hệ

Giảng viên: Huỳnh Duy Khương