Làm sao để rèn luyện não bộ một cách đúng nhất?
Bất cứ ai cũng đều trân trọng những bộ phận trên cơ thể của mình. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ: vì quá yêu nên bạn để chúng nghỉ hoàn toàn, không làm gì hết chưa?
Vì thương cánh tay phải hoạt động mỗi ngày nên bạn quyết định cột sát vào người và để tay trái làm hết phần việc còn lại. Các bạn đoán cánh tay đó của mình sẽ khỏe mạnh, linh hoạt hơn hay ngày một tệ đi?
Câu trả lời rất rõ ràng, cánh tay phải sẽ ngày một yếu ớt dần và thậm chí tàn phế. Tương tự với bộ não, nuông chiều, chăm sóc sai cách cũng khiến nó tổn thương nặng nề theo thời gian.
Trong bài viết này, anh sẽ muốn chia sẻ với các bạn 5 điều lầm tưởng đang hủy hoại não bộ của bạn mỗi ngày.
Tác giả: Huỳnh Duy Khương.
Điều số 1: Học quá nhiều
Hiện tượng này không những chỉ xảy ra khi bạn học trên lớp mà còn xảy ra khi các bạn chủ động học từ Youtube, podcast,…
Biểu hiện rõ ràng nhất là các bạn biết rất nhiều kiến thức hay ho nhưng KHÔNG BAO GIỜ ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ.
Não booj của chúng ta, khi chỉ học mà không làm gì sẽ dẫn tới tình trạng quá tải. Tệ hơn là trạng thái OVERTHINKING – Một dạng lo lắng thái quá.
Suy nghĩ quá nhiều khiến bạn gặp 2 vấn đề:
- Một: Bạn thường xuyên soi xét và chỉ trích người khác
- Hai: Bạn trở thành một người cầu toàn.
Một người cầu toàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bắt đầu một điều mới.
Đơn giản, việc bắt đầu tập chơi bóng bàn. Thay vì để tâm tới kỹ thuật, bạn sẽ tập trung hơn vào những chi tiết nhỏ và muốn chúng hoàn hảo ngay từ đầu.
“Muốn chơi bóng bàn tốt thì mình nên chọn loại vợt nào cho đỡ hư tay nhỉ?”
“Loại giày nào để phù hợp để chơi bóng bàn?”
…..
Tới khi được bạn bè rủ đi tập, bạn vẫn loay hoay trong những suy nghĩ chọn giày, chọn vợt sao cho chuẩn. Bạn chỉ bắt đầu khi mọi thứ hoàn hảo giống như mong đợi. Điều này tạo ra thói quen trì hoãn, bởi bạn rất ngại mắc phải sai lầm.
Thay vào đó, hãy thực hiện 3 bước:
- Biết vừa đủ để làm
- Rút kinh nghiệm
- Học thêm điều mới, bổ sung thêm vào những thứ còn thiếu ở bản thân
“Ngày nay, kiến thức không phải là sức mạnh. Thực hành, triển khai những kiến thức học được mới đem lại sức mạnh cho chúng ta.”
Những thứ mới bước vào trong đầu chỉ là kiến thức của người khác. Thực hành kiến thức và chiêm nghiệm lại mới đem lại sự thông thái cho bản thân – đích đến của quá trình học hỏi.
Điều số 2: Ngủ quá nhiều
Nhiều bạn có thói quen đêm thức khuya, ngày dậy sớm đi làm. Tới cuối tuần, nghỉ lễ sẽ ngủ bù rất nhiều.
Thiếu ngủ gia tăng sự mệt mỏi và căng thẳng của con người. Sự mệt mỏi và ủ rũ này khiến bạn khó đi vào giấc ngủ sâu. Cơ thể sẽ càng yêu cầu được ngủ nhiều hơn nữa.
Giải pháp là nâng cao chất lượng giấc ngủ của bạn. Để tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này, anh muốn giới thiệu với các bạn. cuốn sách rất hay về giấc ngủ: “Why we sleep”.
Đây là cuốn sách được đề nghị bởi Bill Gates, tỷ phú nổi tiếng và trong thời trẻ làm việc điên cuồng ngày đêm để xây dựng sự nghiệp. Ông đã ước, mình biết tới cuốn sách này sớm hơn để không thức trắng đêm chạy những dự án, hoàn thành công việc. Thay vào đó có thể hiểu cho bản thân, không xem nhẹ giấc ngủ và sự ảnh hưởng tới bộ não của mình.
Điều số 3: Lười suy nghĩ
Mỗi khi gặp vấn đề khó, các bạn có hay gặp phải những suy nghĩ như là:
- Thôi, khó quá bỏ qua!
- Nghỉ chút xíu rồi lát nữa làm.
- Mình không làm thì cũng sẽ có người khác lo.
- …
Nếu có, rất có thể bạn đang gặp phải vấn đề: “Lười suy nghĩ”.
Do sự phát triển quá nhanh của công nghệ, chúng ta lớn lên trong văn hóa tiêu thụ “Content nhanh”. Mọi người chỉ mất chưa tới 1 phút để biết xem mình có thích hay muốn một điều gì đó hay không.
Thay vì dành ra 2 tiếng đồng hồ, chỉ mất 5 phút để biết tất cả nội dung của bộ phim thông qua các video review. Điều này lâu dần, khiến bộ não không quen với việc chìm sâu vào một việc cụ thể.
1 mẹo nhỏ dành cho các bạn để gia tăng sự tập trung và khả năng giải quyết vấn đề của mình. Hãy tự hỏi mình “Tại sao” 3 lần để tìm ra vấn đề cốt lõi nằm ở đâu.
Ví dụ: Vấn đề đi học trễ
- Vì sao sáng nay mình đi học trễ?
- Do kẹt xe.
- Vì sao mình gặp phải kẹt xe?
- Do mình đi đúng vào giờ cao điểm, mình cần đi sớm hơn.
- Vì sao mình chưa đi sớm hơn?
- Vì hôm qua mình ngủ muộn sau khi nấn ná xem chương trình mình yêu thích chiếu trên TV.
Sau khi tự hỏi chính mình, chúng ta biết được vấn đề nằm ở sự “lầy lội” của bản thân. Từ đó, chúng ta tìm và đưa ra được cách giải quyết cho việc đi học trễ của mình.
Điều số 4: Giải trí quá mức
Giải trí là một việc tốt để làm mới bộ não. Tuy nhiên, việc giải trí quá mức gây những ảnh hưởng rất lớn tới não.
SỰ THOẢI MÁI LÀ MỘT CHẤT GÂY NGHIỆN
Sự thoải mái khi giải trí rất dễ gây nghiện. Chúng ta lạm dụng chúng trong nhiều trường hợp khác nhau.
Mặc dù đã ngồi vào bàn làm việc nhưng một số bạn vẫn lướt mạng xã hội, với suy nghĩ rằng: “Mình sẽ xem nốt clip này nữa thôi”. Chẳng mấy chốc, bạn đã mất vài tiếng đồng hồ trong khi công việc vẫn chưa xử lý xong.
Kéo theo đó những công việc phát sinh, khi hoàn thành trễ deadline. Căng thẳng khiến các bạn muốn tiếp tục giải trí quá mức. Tạo ra một vòng lặp gây cản trở công việc của bạn.
BỘ NÃO SẼ LUÔN TÌM KIẾM SỰ TIÊU CỰC
Cấu tạo bẩm sinh của bộ não rất nhạy cảm với sự tiêu cực để tổ tiên của chúng ta sinh tồn khi còn sống trong hang động.
Lợi dụng điều này, các nhà làm báo ngày nay đăng rất nhiều thông tin tiêu cực và gây sốc nhằm thu hút sự chú ý của chúng ta.
Những tin tức này, không chỉ gây tốn thời gian của chúng ta khi đọc mà còn dễ để lây lan sự tiêu cực cho những người xung quanh.
Giải pháp cho 2 vấn đề trên là: CHỦ ĐỘNG ĐƯA MÌNH VÀO VÒNG XOÁY.
Đừng để bản thân bị cuốn theo vòng xoáy của sự thoải mái. Việc cắt nhỏ khoảng thời gian dạng “xem thêm một chút” sẽ khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Tự hỏi bản thân, mình có thực sự dừng sau clip này hay không? Hay mình sẽ dành thêm 2 tiếng? Nếu dành 2 tiếng, hãy tập trung hoàn toàn vào 2 tiếng đó xem bạn nhận được những gì sau thời gian giải trí. Từ đó, rút ra cho bản thân sự nhận thức mỗi khi bắt đầu việc thư giãn.
Điều số 5: Môi trường độc hại
Anh nhớ tới người bạn thời đại học. Bạn của anh muốn làm một cây kiếm Katana bằng gỗ để gửi tới một người bạn khác. Khi đó, anh chỉ có một suy nghĩ duy nhất: “Trời ơi, trông khó như vậy thì sao mà làm được, mày đâu phải là nghệ nhân đâu!”
Nhưng thay vì than vãn, bạn của anh tìm tới thầy dạy cấp 3 – người có sở hữu thanh kiếm giống như vậy. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, nó bắt tay vào làm liền. Những ngày đầu tiên, anh chỉ thấy bạn mình loay hoay với khúc gỗ thôi.
Tuy nhiên, mỗi ngày, anh lại thêm phần ngạc nhiên vì khúc gỗ đang dần lộ rõ dáng vẻ một cây kiếm. Kết thúc một tuần, thành quả là một cây kiếm không quá tinh xảo nhưng nó đẹp và đủ để mọi người trầm trồ khi nhìn thấy cây kiếm đó.
Qua câu chuyện này, anh nhận được 2 bài học;
- Tìm cho bản thân một người mentor dẫn dắt.
- Tìm môi trường mình muốn tham gia để nâng dần tiêu chuẩn của bản thân.
Bởi ở gần một môi trường tốt và một người mentor tốt, bạn cũng sẽ sớm học được những kiến thức và góc nhìn đặc biệt của họ.
Lời kết
Nuôi dưỡng cho bản thân một bộ não tốt là một điều rất quan trọng trong hành trình phát triển năng lực và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Một điều cũng rất quan trọng trong quá trình này là phương pháp giao tiếp hiệu quả để giúp bạn đi nhanh hơn rất nhiều so với những người xung quanh.