Nếu bạn là người hướng nội, có thể bạn sẽ từng trải qua cảm giác không hòa nhập được vào nơi làm việc. Có những tình huống đòi hỏi xã giao nhưng bạn cảm thấy không thoải mái, đồng nghiệp rủ đi ăn dù không muốn nhưng bạn cũng không biết cách từ chối,…
Xã giao biến thành “cơn ác mộng” với những người hướng nội khi đi làm. Vậy làm sao để hướng nội có thể hòa nhập trong môi trường làm việc mà không bị cạn kiệt năng lượng?
Trong bài viết này, anh sẽ cung cấp cho bạn 2 lầm tưởng mà người hướng nội thường có và cách để người thực sự hòa nhập được trong môi trường công sở.
Từ bỏ 2 suy nghĩ này để hướng nội “dễ thở” hơn khi đi làm
1. Hướng nội nghĩa là trầm tính, không nói chuyện với ai
Đó là khi bạn dán nhãn “hướng nội” lên bản thân như một lý do để lười giao tiếp:“Tại mình hướng nội nên mình sẽ trầm tính, không cần nói chuyện nhiều với người khác.” Vô tình bạn giới hạn những cơ hội mới để thể hiện bản thân.
Trong công việc, bạn sợ sếp, sợ sai, sợ nói ra quan điểm của mình, không dám chia sẻ bất cứ điều gì với người khác. Bước vào cuộc họp, dù có ý tưởng, quan điểm riêng nhưng cũng không thể hiện mà chỉ “ngồi nghe”. Và rồi bạn “bình thường hóa” những điểm chưa tốt đó của bản thân như một tích cách mà người hướng nội nào cũng có.
2. Giao tiếp tốt là nói chuyện được với tất cả mọi người
Từ nhỏ, chúng ta thường hay nghe những câu theo kiểu:
“Phải hoạt bát, vui vẻ lên đi chứ. Mặt chù ụ vậy ai chơi với mày hả con?”
“Khéo mồm khéo miệng lên thì mới có mối quan hệ, sau này còn nhờ vả người ta.”
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi mình lớn lên: áp lực khi phải đi làm, gặp khách hàng, báo cáo, thuyết trình,…Buộc bạn phải thay đổi bản thân để “thích nghi” thì mới phát triển, thăng tiến được.
Bạn quan sát nhiều người hướng ngoại năng động, vui vẻ có nhiều niềm vui, cơ hội. Vậy nên, bạn nghĩ mình cần: Đi họp hành xông xáo, ăn trưa cùng với mọi người, đùa giỡn, tám cùng đồng nghiệp,…
Và rồi bạn cố gắng biến bản thân trở thành một người hướng ngoại hòa đồng, hoạt bát. Kết quả là bạn chối bỏ bản tính thích một mình, khả năng “enjoy” khi ở một mình của bản thân.
Đó cũng là trăn trở mà anh đã chia sẻ trong video bên dưới:
3 bước để người hướng nội hòa nhập chốn công sở (không cần xã giao)
Người hướng nội không phải là người không thích giao tiếp với ai, càng không phải là người nói chuyện được với tất cả mọi người. Vậy nên, điều bạn cần là điểm cân bằng ở giữa: Vừa hòa nhập được với đồng nghiệp, vừa có không gian dành cho bản thân để không bị cạn năng lượng.
Có 3 bước để bạn có thể dần dần đạt được điều đó:
- Xác định vấn đề thật sự.
Hãy tự hỏi bản thân câu hỏi: “Với tính cách hướng nội, mình đang không thích xã giao với người khác hay là chỉ im lặng làm mà không chịu phối hợp công việc với người khác?” - Đặt câu hỏi “Việc ít nói ảnh hưởng đến công việc cụ thể nào?”
Ví dụ, việc bạn ít nói làm cho đồng nghiệp cảm thấy khó phối hợp với mình để làm task A,B. Xác định càng cụ thể, bạn càng có lý do đủ lớn “vì sao mình cần phải nói”. Trong trường hợp này, bạn có thể hỏi feedback từ sếp, đồng nghiệp để có góc nhìn khách quan hơn và dần dần thay đổi. - Phân biệt 3 bối cảnh giao tiếp: Team-time, Me-time, Growth-time.
Phân biệt được 3 bối cảnh này, bạn sẽ biết khi nào cần “hòa nhập” với người khác, khi nào mình có thể dành thời gian cho bản thân.
Anh có bài viết đã phân tích kỹ về 3 bối cảnh trên trong giao tiếp, bạn có thể tham khảo trong bài viết bên dưới:
>> 3 Kiểu Ứng Xử Giúp Người Hướng Nội Nổi Bật
Bạn có thể là người hướng nội trầm tính và ít nói, nhưng để làm tốt công việc của mình thì hãy sẵn sàng học cách để thể hiện bản thân đúng lúc, đúng chỗ. Sau khi hoàn thành tốt trách nhiệm của mình rồi, bạn hoàn toàn có quyền dành thời gian cho bản thân hoặc lựa chọn sẽ “hòa nhập” nếu bản thân muốn.
Lời kết
Dù bạn có hướng nội, trầm tính đến mấy thì bạn cũng cần học cách để phối hợp với người khác. Biến việc ít nói trở thành một lựa chọn. Khi đó, bạn vừa đạt được điều mình muốn trong công việc, vừa có không gian dành cho cuộc sống riêng của mình.
>> 5 thói quen cư xử giúp hướng nội được yêu quý hơn khi đi làm
>> Đừng cố thay đổi tính cách của mình, dù bạn là HƯỚNG NỘI hay HƯỚNG NGOẠI