Một trong những điều cốt lõi làm nên một phần chia sẻ tuyệt vời chính là Storytelling. Kể chuyện là cách nhanh nhất thu hút sự chú ý của người nghe và lôi kéo họ vào thế giới mà bạn đang dựng lên.
Vậy nên, muốn trở thành một người giao tiếp, thuyết trình xuất sắc, trước hết bạn hãy là một “người kể chuyện” tài ba.
Storytelling thật ra cũng là một loại kỹ năng mà phải luyện tập nhiều mới có thể giỏi. Sau đây, anh sẽ hướng dẫn cho bạn 3 bí quyết mà bất kỳ ai muốn kể chuyện hay đều phải dắt túi.
Tác giả: Huỳnh Duy Khương.
Storytelling là gì?
Storytelling nghĩa là kể chuyện.
Đây là nghệ thuật tương tác sử dụng ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể nhằm nổi bật hóa các chi tiết, hình ảnh trong một câu chuyện để truyển đạt một thông điệp bất kỳ trong giao tiếp.
Tại sao bạn cần biết Storytelling?
Lý do quan trọng và vượt trội nhất mà kỹ năng Storytelling có thể mang lại cho người nghe so với những thông tin khô khan khi giao tiếp đó là cảm xúc. Quá trình giao tiếp là quá trình truyền đạt cảm xúc từ người này qua người khác.
Có nhiều cảm xúc bạn có thể mang lại trong câu chuyện của mình như vui, buồn, tức giận,… để người nghe nghe và cảm nhận chúng.
Nếu bạn muốn biết cảm xúc mà kỹ năng Storytelling mang lại sẽ lợi hại như thế nào? Thì hãy xem ngay video dưới đây để cảm nhận nhé.
Tại sao cảm xúc lại quan trọng trong giao tiếp?
Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì con người chúng ta là sinh vật của cảm xúc.
Vào thời tiền sử, con người đã có thói quen ngồi quay quần lại với nhau thành một nhóm và chia sẻ về những câu chuyện trong ngày của mình.
Đây là thói quen giao tiếp đã được xây dựng nên từ rất lâu và trở thành một bản chất vốn có của loài người ở thời điểm hiện tại.
Thông tin bản chất rất khô khan và khó để tiếp nhận. Tuy nhiên, khi được lồng ghép thêm cảm xúc từ những câu chuyện của người kể, người nghe sẽ dễ dàng lắng nghe và tiếp thu nhanh hơn rất nhiều.
3 bí quyết giúp bạn vận dụng kỹ thuật Storytelling trong giao tiếp
Bí quyết 1: Hãy có thời gian và địa điểm cụ thể
Đây là thứ bạn đã được nghe rất thường xuyên trong những câu chuyện cổ tích ngày xưa với một mô típ bắt đầu rất quen thuộc: “Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng nọ…”
- Thời gian: Ngày xửa ngày xưa…
- Địa điểm: Ở một khu rừng nọ…
Khi bạn coi phim cũng như vậy. Đa phần những bộ phim sẽ thường bắt đầu với một bối cảnh cụ thể diễn ra trong một mốc thời gian và địa điểm cố định.
Ví dụ như đoạn giới thiệu của bộ phim điện ảnh Bố Già trên đây. Bạn có thể thấy rất rõ cách Trấn Thành dẫn dắt khán giả vào câu chuyện của mình thông qua:
- Thời gian: hiện tại
- Địa điểm: một khu hẻm nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh
Việc kéo khán giả vào trong một khung thời gian và địa điểm nhất định sẽ dễ để mọi người hiểu rõ hơn về bối cảnh đang diễn ra trong câu chuyện đó.
Nếu chỉ kế chung chung và không gắn liền với bất kỳ cột mốc nào, người nghe sẽ rất khó để mường tượng và hiểu được.
Bí quyết 2: Hãy kể diễn biến câu chuyện thật chi tiết và cụ thể
Một trong những cách đơn giản nhất để kể thật chi tiết và cụ thể đó là hãy có cho mình những cuộc đối thoại.
Đừng chỉ kể câu chuyện xuyên suốt thông qua ngôi số 3. Hãy nhập vai vào những nhân vật trong câu chuyện đó và trình diễn lại.
Lấy ví dụ từ một câu chuyện ngụ ngôn rất nổi tiếng đó là Gà đẻ trứng vàng.
Với vai trò là người kể câu chuyện trên, đừng chỉ kể ở ngôi số 3:
“Lão nông dân rất vui khi nhìn thấy con gà của mình đẻ ra được quả trứng vàng.”
Hãy thay đổi bằng cách thêm lời thoại, diễn đạt thật chi tiết vào cảm xúc vui của nhân vật:
“Lão nông dân nhìn thấy con gà của mình đẻ ra được quả trứng vàng thì hét lớn: ‘Ha ha ha!. Có con gà này trong tay, chắc chắn là mình sẽ giàu to.'” (và kèm theo những ngôn ngữ cơ thể biểu lộ sự vui sướng của nhân vật)
Đó là lúc bạn có thể mang dẫn dắt người nghe tham gia trực tiếp vào câu chuyện của mình. Nhờ vậy, họ sẽ dễ dàng theo dõi những thông tin, cảm xúc mà bạn đang chia sẻ hơn rất nhiều.
Cho nên, hãy học cách để mang lại nhiều cuộc đối thoại hơn, để làm rõ những chi tiết trong từng câu nói và hành động bạn trình diễn trong câu chuyện đang kể.
Bí quyết 3: Hãy có thông điệp rõ ràng
Nội dung và Thông điệp khác nhau như thế nào?
- Nội dung: những thông tin bạn nói ra
- Thông điệp: những thông tin người nghe nhớ được sau khi bạn nói
Việc xác định rõ thông điệp sẽ giúp cho nội dung câu chuyện của bạn tránh bị dài dòng và lan man không cần thiết.
Vậy làm sao để có được một thông điệp rõ ràng?
Câu trả lời: đó là đặt ngược lại cho bản thân 1 câu hỏi “Mình muốn người nghe nhớ được gì sau khi bản thân nói xong?”
Ví dụ tình huống giao tiếp cụ thể
Trong một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đặt cho bạn câu hỏi: “Điểm mạnh của em là gì?”
Người không biết kỹ năng Storytelling
“Điểm mạnh của em là một người rất kiên trì.” – Hết!
Kết quả: nhà tuyển dụng khó hình dung rõ được chữ “kiên trì” của bạn vì nội dung chia sẻ còn quá chung chung.
Người biết kỹ năng Storytelling
“Điểm mạnh của em là một người rất kiên trì.
Vào chuyến leo núi Bà Đen trong thời Đại học của mình cách đây 1 năm về trước, em và những đứa bạn của mình có thể lực khá yếu.
Lúc mới leo, đa phần mọi người rất hứng thú và hăng hái để chinh phục đỉnh núi. Nhưng đi được nửa đường, đa phần mọi người đều bắt đầu cảm thấy mệt
‘Thôi! Đi tới đây là được rồi. Quan trọng là chúng ta đi chơi cho vui. Cố gắng làm gì?’ – 1 người bạn của em lúc đó chia sẻ.
Và thế là một nửa đoàn quyết định dừng lại.
Lúc đó, em cũng cảm thấy rất mệt, thậm chí là phải vừa đi vừa thở dốc liên tục. Nhưng em đã tự nói nói với bản thân:
‘Cố gắng lên. Ráng tới được đỉnh núi nào!’
Em vẫn cố gắng đi tiếp. Cứ mỗi chốc đi, sẽ có khoảng 2, 3 bạn bỏ cuộc giữa chừng. Và khi lên được tới đỉnh thì số lượng chỉ còn lại 3, gồm em và 2 bạn còn lại.
Sau đợt đó, em nhận ra mình có một cá tính rất kiên trì, đã làm việc gì thì phải quyết tâm làm tới cùng.
Có khi lúc bắt đầu, em sẽ không phải là một người quá nhanh nhạy. Nhưng khi đã đi gần tới đích, em sẽ rất khó bỏ cuộc giữa chừng nếu chưa đạt được mục tiêu ban đầu mình đề ra.
Đó là điểm mạnh mà em muốn chia sẻ với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn này.“
Kết quả: nhà tuyển dụng hiểu rõ được điểm mạnh của bạn một cách rất chi tiết thông qua câu chuyện bạn chia sẻ.
Bạn có nhận ra được sự khác biệt giữa 2 câu trả lời ở trên?
Lời kết
Storytelling – Nghệ thuật kể chuyện là một trong những sức mạnh rất lớn trong kỹ năng giao tiếp nếu bạn biết tận dụng và phát huy được trong việc tương tác, ứng xử với mọi người xung quanh.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật này cũng như biết thêm nhiều kỹ thuật khác trong giao tiếp thì có thể tìm hiểu về Workshop “Bí quyết giao tiếp tự tin, thu hút mà không bị đánh giá” của anh Huỳnh Duy Khương .
Bạn sẽ biết được:
- Lầm Tưởng lớn nhất về giao tiếp khiến bạn luôn gặp áp lực và nỗi sợ bị đánh giá từ người khác.
- 3 Cách giao tiếp để lời nói của mình có trọng lượng trong đội nhóm, được mọi người tôn trọng và lắng nghe.
- Lộ trình rèn luyện để trở thành một người tự tin, bản lĩnh trong giao tiếp mà ai cũng có có thể học và làm được.