Nền tảng của việc giao tiếp tốt, đến từ những thói quen nhỏ hằng ngày. Đa phần những người giao tiếp quả thường có nhiều thói quen tốt hơn thói quen xấu. Vì vậy, hãy duy trì những thói quen dưới đây để có được cách giao tiếp tốt trong cuộc sống.
Bài viết hôm nay được dựa trên việc anh quan sát cách giao tiếp của những người giỏi mà anh nhìn thấy. Từ đó anh tự hệ thống lại thành 7 thói quen của người GIAO TIẾP HIỆU QUẢ, để bất kì ai cũng có thể đọc hiểu và ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày của mình.
1. Không giao tiếp với những người không muốn hiểu.
Đừng tưởng người giao tiếp hiệu quả lúc nào họ cũng chia sẻ hăng say và để tâm sức vào câu chuyện với tất cả mọi người. Mà họ sẽ chỉ làm chuyện đó với những người họ thấy là người kia muốn hiểu, muốn lắng nghe.
Sau này, khi bạn bắt đầu giao tiếp. Hãy để ý đến CẢM XÚC của người khác, người kia đang thế nào? Quan sát xem họ có thực sự muốn nghe điều bạn nói không trước khi chia sẻ 1 điều gì đó.
Bạn anh có một xưởng làm giày da, túi xách lớn ở Sài Gòn, nó cũng từng kể cho anh 1 câu chuyện tương tự như vầy.
Khi một nhân sự nghỉ việc ở công ty nó, họ có nhiều hiểu lầm về công ty. Trước đây, nó sẽ tìm cách giải thích cho người kia biết “đây chỉ là hiểu lầm” hoặc sự cố này xảy ra vì 1 lý do nào đó.
Nhưng nói như thế nào đi chăng nữa, họ cũng không muốn hiểu. Vì ngay từ ban đầu họ đã không muốn hiểu.
Nên sau này bạn anh không giải thích nữa, chỉ tập trung làm tốt mục tiêu. Còn những người ra đi có trách cứ, có nói xấu công ty cũng là lựa chọn của họ.
Còn mình thì cứ tập trung vào chuyện, làm sao để tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng của mình. Dần dần danh tiếng của mình sẽ lớn mạnh hơn mà không lo sợ những lời nói xấu từ người khác.
Có 1 quy tắc giao tiếp anh đọc được ở đâu đó trên mạng, anh thấy nó khá hay. Bạn có thể đọc chi tiết bên dưới đây. Quy tắc đó là:
Kẻ say ở đây không chỉ nói đến những người say rượu, mà nó bao hàm cả những người không kiểm soát được lý trí của mình. Họ để cảm xúc tự nhiên, hoang dã của mình lấn át, họ không thể làm chủ được suy nghĩ của bản thân để đủ bình tĩnh lắng nghe.
Nên dù có nói lý với họ đúng tới mức nào, thì họ cũng sẽ không lắng nghe và hiểu điều bạn nói.
Kẻ xấu ở đây bạn có thể hiểu họ là những người hay tụm lại than phiền, nói xấu người khác. Nên bạn không cần phải cố hoà đồng với họ.
Kẻ liều thường là những người liều mình, bất chấp lời người khác. Mà với tính cách như vậy, cho dù bạn có chiến đấu quyết liệt với họ. Phần thắng chưa chắc thuộc về bạn, chưa kể nó còn có thể gây tổn hại tới bạn và người thân.
Kẻ ngu, họ có thể là người chưa muốn hiểu. Hoặc họ chưa có khả năng hiểu điều bạn nói ở thời điểm hiện tại. Nhưng sau này đến 1 thời điểm thích hợp, họ cũng sẽ hiểu điều bạn nói bình thường.
2. Trong giao tiếp, không nói những lời đổ lỗi và than thở.
Người giao tiếp giỏi luôn để ý lời nói của mình trong hầu hết các trường hợp, họ luôn cố tránh những lời lời than phiền, đổ lỗi như: Tại, vì, rằng, thì, mà, nhưng để không trở thành 1 người hay đổ lỗi.
Thông thường, khi làm không tốt 1 việc nào đó. Chúng ta hay sử dụng những từ: tại, bởi, nhưng,… để giải thích cho sự việc mình không làm được trở nên nhẹ hơn. Nhưng đây là 1 trường hợp đổ lỗi.
Trong những năm đầu đi làm, Sếp trực tiếp của anh là người hướng dẫn anh thực thi ý tưởng của ảnh. Mỗi lần nghe ý tưởng, anh lại nhìn ra chỗ khó của nó.
Mặc dù sếp đã chỉ ra những giải pháp, nhưng anh vẫn nhìn thấy khó khăn và liên tục đáp lại bằng từ NHƯNG để chứng tỏ là ý tưởng này không làm được.
Ảnh dừng lại với vẻ mặt khó chịu và nói với anh: “Khương! Hình như em không lắng nghe anh. Trong cách em nói, anh thấy em luôn cố đẩy những giải pháp của anh ra xa và không thực sự tiếp thu nó”
Trong đầu của em nó đang có suy nghĩ như vầy nè! Và ảnh vẽ ra 1 tấm hình cho anh coi:
Rồi ảnh nói: “Em là người màu trắng trong bức hình, thứ anh chỉ cho em con đường dẫn đến mục tiêu. Mỗi lần anh đưa ra 1 giải pháp giúp em đạt mục tiêu, em lại nói NHƯNG MÀ và chỉ nêu khó khăn khi thực hiện, thì làm sao em có thể thực hiện nó”.
Sau đó ảnh mới vẽ thêm 1 tấm hình khác và chỉ cho anh cách làm đúng là như thế nào như bên dưới đây.
“Hãy bắt đầu với việc muốn thực hiện mục tiêu của công việc, sau đó nghĩ đến những khó khăn, nếu không giải quyết được, mình sẽ kiếm cách khác, thứ anh muốn em là suy nghĩ đến giải pháp, không phải nghĩ đến khó khăn rồi bỏ cuộc”.
3. Để ý đến người nghe.
Những bạn mới ra trường, xin làm cộng tác viên trong công ty anh. Anh nhờ soạn email gửi đến khách hàng hoặc học viên.
Bạn ấy gửi đi, anh hỏi kết quả như thế nào, bạn ấy trả lời:
“Em cũng chưa biết nữa”
“Ủa! kết quả như vậy thì em có nhìn nhận lại chỗ nào mình cần sửa không? trong email đó mình có làm gì chưa tốt không? hay lời thông báo, kêu gọi có sai sót chỗ nào không?”
Bạn đều trả lời: “Em cũng đã nhắc, thông báo rồi”
Dù đã làm, nhưng bạn không đặt ra trường hợp người nghe cảm thấy như thế nào, họ có hiểu không, nếu chỉ 1 người hiểu sai thì đó là vấn đề của họ, còn nhiều người hiểu sai, thì nguyên nhân là do cách truyền đạt của bạn cộng tác viên.
Đây là thói quen cực kỳ quan trọng, luôn để ý đến người khác, thông điệp của mình muốn nói, có đến được với người nghe không?
4. Có mục tiêu rõ ràng trong những lời mình nói.
Trong giao tiếp liên quan đến công việc, không phải lúc nào cũng nghĩ gì nói đó. Phải luôn có mục đích, ý định trước khi nói để tránh bị chia sẻ lan man, không đúng trọng tâm chủ đề.
VD: Khi đi họp, bạn phải biết chủ đề họp hôm đó là gì? Mình nên nói những gì? ý tưởng, chia sẻ của mình có đóng góp được cho công ty không? Mình sẽ đặt câu hỏi để hiểu kỹ vấn đề hơn hay phản biện để cho cuộc họp được đa chiều?
Khi hiểu rõ mục tiêu trong lời nói của mình rồi, bạn sẽ biết mình nên nói như thế nào!
Có nhiều bạn không đặt ra mục đích của lời nói, chỉ đơn giản là nói ra không có suy nghĩ. Vô tình giảm đi độ hiệu quả trong cách giao tiếp.
5. Lắng nghe để hiểu.
Trong giao tiếp nhiều bạn có suy nghĩ như này: “Em là người ít nói, em không nói giỏi. Em thích lắng nghe hơn và em tin là mình có khả năng lắng nghe tốt”
Nhưng thật ra những người không có khả năng nói nhiều, là những người lắng nghe rất kém.
Bởi vì sâu thẳm bên trong họ là mong muốn được nói, được người khác lắng nghe. Và nếu chúng ta chưa có khả năng lắng nghe, thì cũng không thể nào cho người khác sự lắng nghe chân thành của mình được.
Nên những người ít nói thường hay bứt bối chuyện: “Tại sao mình nói mà người khác không chịu hiểu? Tại sao mình có ý trong đầu mà không nói được?”
Nên cái ngồi nghe đó, chỉ là NGHE BỊ ĐỘNG.
Khi ngồi nghe bị động, chúng ta không thể nào hiểu hết lời người khác nói và hay có ý của mình xen vào phản đối. Nếu như vậy, đầu bạn sẽ rất dễ bị đóng lại và không còn tiếp nhận được kiến thức, lời góp ý từ người khác.
Và đôi khi sự lắng nghe không chỉ nghe người khác nói, mà còn nghe được những lời người khác không nói.
Không giống người sếp thứ nhất, người sếp thứ 2 của anh là 1 người luôn ít nói.
Có lần anh nộp bảng kế hoạch tài chính, xin duyệt kinh phí cho 1 event. Chị ấy chỉ viết ngắn gọn “KHÔNG DUYỆT” chương trình này, mức phí quá cao.
Lúc ấy anh rất giận vì không nói rõ ràng lý do cho mình biết để điều chỉnh.
Nhưng khi nhìn nhận lại, thì anh tự hiểu: thật ra chị ấy dạy mình học cách chủ động hỏi để biết người khác muốn gì? để mình động não suy nghĩ, đề xuất ý tưởng, chia sẻ những gì mình muốn.
Đó là lúc anh học được cách nghe được ý người khác muốn truyền tải mà không cần phải nói ra. Về sau khi biết được cách giao tiếp này, nó giúp anh phát triển rất nhanh trong công việc.
6. Muốn người khác biết, mình cần phải nói.
Cuối năm, mình có rất nhiều thành tựu trong công việc, muốn được sếp công nhận, hoàn thành nhiều thứ hay ho. Mong đợi sếp có thể nhìn vào, tự biết được những thành quả của mình, thì làm sao biết được. Muốn sếp biết, mình phải là người chủ động nói ra những đề xuất, thành quả, khó khăn thì sếp mới hiểu và công nhận.
Một lỗi cũng khá phổ biến khác: khi người ta nói với mình điều gì đó mà chưa biết trả lời như thế nào, mình hay có xu hướng im lặng. Vô tình sẽ làm người khác cảm thấy bực mình khó chịu
Ví dụ:
Khi người sếp nói cho anh nghe về ý tưởng của anh ấy, anh chưa biết phản hồi thế nào, nên anh im lặng. Lúc đó sếp anh hỏi
“Sao em không trả lời.”
“Dạ! em chưa suy nghĩ ra, nên không biết trả lời anh ra sao”
“Nếu chưa suy nghĩ ra thì cứ nói chưa suy nghĩ, chứ đừng giữ im lặng làm người khác khó chịu.”
7. Không khuyên người khác những điều mình không làm được.
Với những người mới có được sự tự tin chia sẻ rồi, mình hay có thói quen khuyên người khác khi biết chút chút về 1 điều nào đó. Trong khi bản thân cũng chưa thực sự làm được điều mình khuyên.
Mà những lời khuyên bạn chưa làm được hoặc chưa có hiệu quả với mình. Vậy thì sao bạn tin là nó phù hợp với người khác và có tác dụng với họ?
Cho nên, trước khi đưa ra 1 lời khuyên cho người khác. Bạn hãy là người trải nghiệm nó trước và thực sự làm được nó.
Lời kết.
Đây là 7 thói quen giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp tốt là chìa khóa dẫn đến mọi cánh cửa thành công trong sự nghiệp lẫn đời sống. Hãy rèn luyện thành thục kỹ năng này.
Nếu bạn đang muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp nhưng không biết rèn luyện như thế nào, cần một lộ trình rõ ràng, cụ thể kèm theo một người mentor đầy kinh nghiệm thì có thể tham khảo Khoá học High Influence Public Speaking của anh Huỳnh Duy Khương tại đây